Các quốc gia và tập đoàn trên toàn cầu đang thảo luận về các thông tin liên quan đến mục tiêu bảo vệ môi trường của họ với lời cam kết “đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không” hoặc “trung hòa carbon” trong vài thập kỷ tới. Nhưng khi đi sâu vào chi tiết, những lời cam kết đó hiếm khi được thực hiện đúng với lời hứa của họ trước đó.
“Tôi nghĩ rằng có một áp lực ngày càng gia tăng đằng sau những cam kết về mức phát thải carbon. Có những người về cơ bản bị áp lực bởi các cổ đông buộc phải thực hiện những lời cam kết này”, Christopher Greig, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Năng lượng và Môi trường Andlinger tại Đại học Princeton, giải thích.
Mỹ đặt mục tiêu tiến tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tương tự vào năm 2060. 1/5 trong số 2000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới đã cam kết thực hiện mục tiêu giảm lượng khí thải ròng xuống còn 0, theo báo cáo mới của Tổ chức Năng lượng và Khí hậu phi lợi nhuận của Anh. Visa, AstraZeneca và Alaska Airlines đều có kế hoạch loại bỏ khí thải carbon ít nhất vào năm 2040, trong khi các tập đoàn khác như Apple đã cam kết 100% các chuỗi cung ứng và sản phẩm trung hòa carbon vào năm 2030.
Nhưng đáng tiếc thay, không có hướng dẫn tiêu chuẩn nào để đạt được mức phát thải ròng bằng không hoặc trung hòa carbon. Điều đó có nghĩa là các công ty và quốc gia có thể tạo ra các định nghĩa của riêng họ.
Các công ty cam kết “trung hòa carbon” không nhất thiết phải hứa hẹn loại bỏ hoàn toàn CO2 khỏi các hoạt động của họ. Thay vào đó, họ có thể hỗ trợ các dự án môi trường có thể bù đắp lượng khí thải của chính họ. Ví dụ như hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, trồng và bảo vệ cây xanh, hoặc cung cấp các phương tiện khác để làm sạch bầu khí quyển.
Những kế hoạch đó không nhất thiết phải thực tế hoặc hữu ích. Ví dụ, chỉ có rất nhiều không gian xung quanh trái đất để trồng cây. Một báo cáo gần đây của Oxfam đã tính toán tổng diện tích đất cần thiết để trồng cây nhằm loại bỏ carbon theo kế hoạch có thể gấp 5 lần diện tích của Ấn Độ, hoặc tương đương với tất cả đất nông nghiệp trên hành tinh.
Rachel Kyte, cố vấn khí hậu của Tổng thư ký Liên hợp quốc và đồng thời là Hiệu trưởng của Trường Fletcher tại Đại học Tufts giải thích: “Nếu không có cơ sở khoa học rõ ràng và tiến trình cụ thể hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0, vậy các tập đoàn nên làm gì để tránh những cam kết rỗng tuếch như vậy?”, Greig tiếp tục giải thích: “Một công ty cần có khả năng đo lường và xác minh lượng khí thải của mình, cả trong các hoạt động của chính họ. Và họ cần có khả năng đo lường, xác minh và cho thế giới bên ngoài thấy họ đang làm những gì để tiến tới hoàn thiện mục tiêu đó”.
Câu trả lời sẽ không đơn giản và sẽ đòi hỏi nguồn lực và đội ngũ kế toán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những bước này là cần thiết để giảm nguy cơ biến đổi khí hậu thảm khốc có thể trở nên khó tránh khỏi.
PDD(Theo CNBC)