Bình Dương: Doanh nghiệp “căng mình” vượt khó mùa dịch COVID-19

Bình Dương là tỉnh có số ca nhiễm Covid-19 và tình hình dịch bệnh phức tạp cao ở nước ta, nhưng lãnh đạo tỉnh và nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn thể hiện quyết tâm, sáng tạo, để không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất-kinh doanh (SXKD) của mình. Thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa sản xuất, vừa chống dịch…

Trong đợt dịch thứ 4, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 khiến hoạt động SXKD bị đình trệ nghiêm trọng. Trong số các nhóm DN, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm và các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Với những doanh nghiệp xuất hiện ca nhiễm phải ngưng hoạt động để khử khuẩn, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm để loại bỏ người bị nhiễm bệnh (F0) ra khỏi đội ngũ công nhân và ngăn ngừa lây nhiễm cho những người khác, sau đó mới tổ chức lại sản xuất. Hiện nay, các DN ở Bình Dương muốn hoạt động thì phải bảo đảm đủ những điều kiện trong PCD.

Tại Bình Dương đã nhiều DN, lao động đăng ký và đủ điều kiện thực hiện các phương án trên để sản xuất. Bước đầu, các phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” cho thấy, đây là giải pháp hợp lý để duy trì hoạt động SXKD của các DN trong bối cảnh dịch bệnh.

Tuy nhiên, sau thời gian ngắn hoạt động, phương án sản xuất “3 tại chỗ” đã phát sinh nhiều bất cập về vấn đề chi phí. Nhiều DN cho rằng không thể áp dụng “3 tại chỗ” lâu dài bởi sẽ gây áp lực rất lớn lên DN.

Đặc biệt “3 tại chỗ” không phù hợp với tất cả các DN vì mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có đặc thù khác nhau. Bởi mô hình “3 tại chỗ” có thể áp dụng phù hợp và thành công ở những ngành sản xuất ít công nhân như điện tử, công nghiệp phụ trợ, cơ khí… Nhưng với các ngành nhiều công nhân, diện tích chật hẹp, mật độ giãn cách thấp như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản… sẽ rất khó thực hiện.

Các DN cho rằng, cần có quy định về hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngoài các quy định về hình thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.

Theo một chủ doanh nghiệp tại Bình Dương chia sẻ, trong thời gian giãn cách xã hội, DN muốn công nhân, người lao động không mất việc làm và có thu nhập trong mùa dịch nên đã tổ chức hoạt động “3 tại chỗ” đưa người lao động vào ở trong nhà máy.

“Hiện mỗi ngày doanh nghiệp đều có kịch bản phương án phòng, chống dịch, tổ chức lấy mẫu test nhanh… Mặc dù tuân thủ các phương án nhưng vì chưa bao giờ tập trung số lượng lớn người lao động sinh sống kéo dài trong nhà máy dễ phát sinh rủi ro. Các chi phí về ăn uống, xét nghiệm Covid-19, tiền bồi dưỡng, tiền điện, nước… cũng tăng theo. Ngày 4 bữa, công nhân ở lại phải tắm rửa, sinh hoạt… chi phí tiền điện là một trong những chi phí đè nặng lên quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong việc áp dụng “3 tại chỗ”. Trung bình DN phải cõng thêm nhiều chi phí phát sinh” chủ doanh nghiệp trên chia sẻ.

Dòng tiền được ví là máu của doanh nghiệp, nhưng thực tế hiện nay phần lớn các doanh nghiệp Bình Dương đang thiếu “máu”. Có nhiều DN tạm ngừng hoạt động, nhiều DN có doanh thu cán mốc 0% nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, BHXH… Không có tiền buộc DN phải đi vay, và phần lớn từ ngân hàng, dẫn đến gánh nặng trả lãi vay, nợ gốc ngân hàng luôn “ám ảnh” các ông chủ. Dẫu là vậy, nhưng đa số DN cố gắng thanh toán đủ 100% lương cho người lao động để duy trì và bảo đảm cuộc sống cho người lao động, góp phần cùng Chính Phủ chống dịch, cùng hướng tới chiến thắng cuối cùng.

Để tồn tại, duy trì được SXKD trong bối cảnh ưu tiên cao nhất cho phòng chống dịch, nhiều DN tỉnh Bình Dương đã phải chủ động thích ứng với dịch để có thể “vượt bão” thành công, chờ phục hồi sau đại dịch. Chằng hạn như Công ty TNHH Apparel Far Eastern VN, nhà máy chính ở KCN VSIP I, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, với khoảng 4000 CNLĐ đã phải đóng cửa từ ngày 27/7/2021 cho đến nay, tất cả công nhân được hưởng mức lương tối thiểu vùng. Đại diện DN cho biết, việc trả lương cho người lao động vẫn được duy trì nhằm đảm bảo họ có cuộc sống tối thiểu trong mùa dịch và trả tiền nhà trọ. Riêng các đơn hàng tại nhà máy ở Bình Dương đã được chuyển đến các nhà máy ở KCN VSIP II (TX Tân Uyên) và tỉnh Bình Phước. Do đó không bị đứt gãy sản xuất, các đơn hàng vẫn hoàn thành đúng tiến độ như cam kết với khách hàng.

Hay một số DN trong Hiệp hội da giày Bình Dương cũng đang thực hiện khá thành công phương án này, có thể kể đến như Tập đoàn da giày Thái Bình, họ không những chuyển toàn bộ đơn hàng từ nhà máy ở Bình Dương xuống nhà máy ở Trà Vinh, mà còn đưa công nhân xuống đây để làm việc, vừa kịp tiến độ đơn hàng, vừa bảo đảm tốt việc làm và thu nhập cho người lao động.

Thực tế hiện nay, những tác động của dịch bệnh tới thị trường và các biện pháp nhằm hạn chế dịch lây lan của các quốc gia đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh tế toàn cầu cũng như trong nước. Một trong những giải pháp mang tính cấp bách để phục hồi, vực dậy kinh tế được tỉnh chủ động triển khai từ sớm là hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch gây ra.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho SXKD của DN, tỉnh Bình Dương đã tích cực triển khai các gói hỗ trợ về chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ DN trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể DN còn chưa biết được về chính sách và gặp khó khăn trong việc tiếp cận.

Đứng trước muôn vàn khó khăn như vậy, các DN đều mong muốn hỗ trợ vay lãi suất 1-3% một năm để trả lương, tiếp tục được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.Nhiều doanh nghiệp muốn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống thấp hơn. Khi tỷ lệ đóng góp này giảm, doanh nghiệp có thể dùng để đóng bảo hiểm tự nguyện cho người lao động – một cách thức giúp giữ chân và mang lại nguồn dự phòng cho họ.

Để duy trì đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ có giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt. Bởi nếu bị mất thị trường, mất khách hàng thì DN khó phục hồi sau dịch.

DN cũng muốn Chính phủ nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn (như mô hình vùng xanh kinh tế) để họ chủ động lựa chọn, áp dụng trong bối cảnh việc duy trì mô hình 3 tại chỗ kéo dài hiện quá tốn kém.

Với chiến lược vaccine, doanh nghiệp muốn nhà chức trách có chính sách phù hợp cho những người đã tiêm 2 mũi vaccine được trở lại làm việc; chuẩn bị, xác định phương án sống chung với dịch bệnh sau tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng 70%.

Như vậy bên cạnh những đề xuất kiến nghị trên, DN cũng đang cần chủ động một liều “vắc-xin”, đó là quản trị doanh nghiệp. Theo đó, DN phải xây dựng quản trị minh bạch, có khả năng chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh, phải kiên cường để chống đỡ được những tác động của dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…DN cần đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số…

Hoàng Thu

Bài Sau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *