Giá cá tra nguyên liệu giảm thấp kéo dài từ năm 2019 làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất. Những tháng gần đây, xuất khẩu có tăng, nhưng người nuôi cá tra vẫn thua lỗ.
Năm 2021 là một năm chồng chất khó khăn với những người nuôi cá tra. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời gian giãn cách kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất của ngành cá tra, đầu vào khó khăn, tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, vượt lên trên khó khăn, kim ngạch xuất khẩu cá tra 11 tháng đầu năm nay vẫn đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ước sản lượng cá tra cả năm nay đạt 1,5 triệu tấn, tương đương năm 2020.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ đạt khoảng 1,54 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020. Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 khi chiếm 28% tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam, tiếp theo là thị trường Mỹ 22%.
Vùng nuôi cá tra xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. (Ảnh: TTXVN)
Dù xuất khẩu cá tra tăng cả về lượng và giá trị, nhưng người nuôi vẫn khó có lãi là do thời gian qua không bán được, cá phải để trong ao khiến chi phí thức ăn đội lên.
Hiện giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL ở quanh mức 23.500 – 24.000 đồng/kg, tăng 5.00 – 2.000 đồng/kg so với những tháng trước đó, đồng thời đã cao hơn giá thành sản xuất sau cả năm trời ở dưới mức này.
Nguy cơ đứt gãy xuất khẩu vì thiếu nguyên liệu
Với những dự báo thuận lợi của thị trường trong năm 2022, một trong những nút thắt quan trọng nhất cần được tháo gỡ là nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Trong 3 tháng 7, 8, 9 là những tháng thực hiện giãn cách xã hội do COVID-19, diện tích thả nuôi cá tra đã giảm rất mạnh, khoảng 50% so với các tháng đầu năm. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ đối mặt với thiếu nguồn cung nguyên liệu vào năm 2022.
Tại Hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, đại diện Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP cho biết, trước nguy cơ thiếu nguyên liệu, để đạt được mục tiêu xuất khẩu cho năm 2022, cần phải có cơ chế cho việc phục hồi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra. Quan trọng nhất là bình ổn chi phí đầu vào cho sản xuất để khuyến khích bà con tiếp tục thả nuôi.
“Nhu cầu cá tra tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường Mỹ. Các FTA như CPTPP, EVFTA… sẽ tiếp tục là đòn bảy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường”, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEPPRO, cho biết.
Về phần mình, các doanh nghiệp nhận định, những thách thức trong năm 2022 với cá tra ngoài tác động của dịch COVID-19 sẽ là thiếu lao động, chi phí nhân công tăng cao, vì vậy cần có con giống chất lượng và quy hoạch vùng nuôi để phát triển bền vững.
Năm 2021, giá thức ăn thủy sản liên tục tăng khiến giá thành sản xuất tăng từ 25 – 30%, trong khi giá bán cá nguyên liệu thấp hơn giá thành đã làm không ít hộ nuôi thua lỗ nặng, treo ao khiến lượng cá giống sụt giảm.
Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu năm 2022, ngành cá tra đang đặt kế hoạch đạt trên 5.200 ha diện tích thả nuôi phát sinh; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn.
Giải pháp cho ngành hàng cá tra
Kim ngạch xuất khẩu cá tra 11 tháng năm 2021 đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. (Ảnh minh họa – Ảnh: PLO)
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có 96 cơ sở sản xuất giống cá tra và gần 2300 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Sản lượng ước đạt khoảng 25 tỷ con cá tra bột và 3,1 tỷ con cá tra giống, bằng hơn 60% so với năm 2020.
Để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi xuất khẩu cá tra do thiếu nguyên liệu, Tổng cục Thủy sản đang triển khai nhiều giải pháp.
“Trên cơ sở dự báo về nhu cầu của các thị trường trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới, có thể thấy ngành cá tra rất có triển vọng phát triển. Đối với quá trình nuôi, chúng ta cần có thời gian, vì vậy việc giải quyết trước mắt hiện nay là cùng với các địa phương rà soát, cân đối lại số lượng trong các tháng tiếp theo có khả năng cung cấp nguyên liệu bao nhiêu để từ đó có giải pháp về mặt kỹ thuật, quy trình nuôi phải mất từ 6 – 8 tháng mới trở thành nguyên liệu xuất khẩu. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị rà soát lại, thay đổi quy trình nuôi để có thể rút ngắn thời gian, đạt tiêu chuẩn, từ đó đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu trong những tháng đầu năm tới không bị đứt gãy”, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Tình hình dịch COVID-19 được dự báo có những diễn biến khó lường trong năm 2022 đòi hỏi ngành hàng cá tra cần rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong việc ứng phó và sẵn sàng các giải pháp để thích ứng trong mọi hoàn cảnh.
Theo dự báo của VASEP, nhu cầu cá tra tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang những thị trường nhỏ tiềm năng như: Mexico, Brazil, Nga, Colombia và Thái Lan.