Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả đạt hơn 1,97 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Với tốc độ tăng trưởng cao đạt 39% trong 5 tháng đầu năm, ngành rau quả kỳ vọng lập đỉnh mới về kim ngạch xuất khẩu năm 2023.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 39% trong 5 tháng đầu năm cùng nỗ lực mở cửa thị trường của Bộ NN&PTNT đang là những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu mặt hàng rau quả năm 2023.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả đạt hơn 1,97 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Với tốc độ tăng trưởng cao đạt 39% trong 5 tháng đầu năm, ngành rau quả kỳ vọng lập đỉnh mới về kim ngạch xuất khẩu năm 2023. Kỷ lục gần đây nhất của ngành rau quả là 3,81 tỷ USD vào năm 2018. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ mở thêm nhiều loại trái cây vào các thị trường lớn trên thế giới, tạo thêm sức bật cho ngành.
Cùng với đó, trong quý 2/2023, Việt Nam có nhiều loại trái cây vào vụ thu hoạch và nhiều loại sản phẩm mới như chanh leo, sầu riêng được Trung Quốc cấp thêm mã vùng trồng, là lợi thế cho kỳ vọng lập kỷ lục của ngành rau quả.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, mặt hàng rau quả Việt Nam đã có mặt ở 27 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 17 thị trường đạt trên 10 triệu USD (riêng Trung Quốc đạt 1,29 tỷ USD, chiếm trên 63,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam).
So với cùng kỳ năm trước, có 16 thị trường có mức tăng cao, trong đó có 9 thị trường tăng trên 2 triệu USD như Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc, UAE, Malaysia, Nhật Bản, Đức…
Các doanh nghiệp ngành rau quả đánh giá, mặc dù xuất khẩu sang một số thị trường như Hoa kỳ, Canada, Australia, Hong Kong sụt giảm nhưng sự tăng mạnh nhập khẩu của thị trường Trung Quốc cũng giúp bù đắp được sự sụt giảm trên.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Philippines. Việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc còn khó khăn khi còn 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.
Theo Mekong Asean