Trong nửa đầu năm nay, sản phẩm cá ngừ vây vàng (HS 030342) chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất của Italia, từ 24-43% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường này.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Italy đạt 13,3 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Khánh Hòa tập trung xuất khẩu mặt hàng hai mặt hàng cá ngừ chính sang thị trường Italia là cá ngừ vây vàng quarter (thuộc mã HS 0303) và cá ngừ vây vàng chế biến (thuộc mã HS 1604).
Ảnh minh họa.
Theo thống kê cập nhật của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 5 tháng đầu năm 2019, EU tiếp tục ưu tiên nhập khẩu sản phẩm 2 nhóm sản phẩm cá ngừ là cá ngừ phile đông lạnh (HS 030487) và cá ngừ vây vàng đông lạnh (HS 030342). Tương tự với xu hướng nhập khẩu chung của khu vực, trong nửa đầu năm nay, sản phẩm cá ngừ vây vàng (HS 030342) chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất của Italy, từ 24-43% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường này.
Theo VASEP nếu như trong năm 2018, ngoài việc ưu tiên nhập khẩu trong nội khối từ thị trường cung lớn Tây Ban Nha, Italia còn mở rộng và gia tăng nhập khẩu sản phẩm cá ngừ vây vàng đông lạnh (HS 030342) từ một số nguồn cung lớn tại Châu Á như: Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan thì nửa đầu năm 2019, tỷ trọng cá ngừ vây vàng đông lạnh của Việt Nam tại Italy tăng mạnh.
Hiện nay, Việt Nam là nguồn cung sản phẩm cá ngừ vây vàng đông lạnh lớn thứ 2 (sau Tây Ban Nha) tại thị trường Italia. Sự chuyển dịch thị trường này là dấu hiệu tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Italy.
Cho tới nay, thói quen nhập khẩu cá ngừ đông lạnh để sản xuất cá ngừ hộp vẫn đang diễn ra tại thị trường Italy. Ngoài ra, nước này cũng nhập khẩu nguyên liệu để chế biến sản phẩm loins hoặc steaks. Hầu hết cá ngừ nhập khẩu vào EU được chế biến từ các nước Nam Âu, trong đó Tây Ban Nha và Italia là hai quốc gia có nhiều nhà máy chế biến cá ngừ nhất trong khu vực.