Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng các KCN theo mô hình xanh, thông minh và bền vững. Đây là hướng đi tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư chất lượng cao và đảm bảo sự phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường.
Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam năm 2024 với chủ đề: ‘Kỷ nguyên vươn mình của khu công nghiệp Việt Nam” được tổ chức vào sáng ngày 19/12 tại TP.HCM. Diễn đàn do Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (The Sustainable Trade Initiative – IDH) và Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam (VIZ) đồng tổ chức, với sự bảo trợ của Liên chi Hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam.
Do đó, Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2024 có vai trò quan trọng, vừa là cầu nối giữa các khu công nghiệp, tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư, vừa là nơi trao đổi, thảo luận và cùng thống nhất đưa ra các khuyến nghị thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển bền vững, hướng đến yêu cầu của thị trường.
Diễn đàn có sự tham gia của 300 lãnh đạo cấp cao, đại diện 83 KCN, 35 diễn giả uy tín hàng đầu với những ý kiến, tham luận, sáng kiến trong các phiên thảo luận; Các cam kết, ký kết thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương trong các chiến lược chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Diễn đàn bao gồm 2 phiên toàn thể, 6 phiên thảo luận nhóm. Phiên toàn thể thứ nhất gồm phần trình bày và các phiên thảo luận nhóm về 3 nội dung chính: Chính sách pháp luật phát triển Khu công nghiệp; Chuyển đổi xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp thế hệ mới, thông minh và phát triển bền vững; Nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến đầu tư, định vị thương hiệu Khu công nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.
Ở Phiên toàn thể thứ 2, các diễn giả, đại điện Khu công nghiệp và khách mời sẽ cùng lắng nghe và trao đổi về 3 nhóm vấn đề: Thực hành ESG trong các Khu công nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai; Phát triển logistics xanh trong chuyển đổi khu công nghiệp thế hệ mới; Chuyển đổi mô hình KCN tại thành phố Hồ Chí Minh; Thúc đẩy tuân thủ và thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng; Nguồn vốn đầu tư phát triển bền vững Khu công nghiệp thế hệ mới.
Hiện nay, các KCN Việt Nam đang tích cực chuyển mình, hướng tới mô hình thông minh và bền vững. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan của chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư đang thúc đẩy quá trình này, nhằm xây dựng nền công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Diễn đàn, ông Huỳnh Tiến Dũng – Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền Vững – Tổ chức IDH (Hà Lan) cho biết, các KCN tại Việt Nam đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước, IDH nhận thấy trong quá trình làm việc với các KCN ở Việt Nam còn thiếu diễn đàn để các KCN có thể cùng với nhau chia sẻ thông tin, cũng như những vướng mắc, đề xuất các ý kiến, kiến nghị góp phần phát triển các KCN Việt Nam theo hướng thông minh và bền vững.
Ông Huỳnh Tiến Dũng khẳng định: “IDH cam kết đồng hành cùng các tổ chức đối tác thúc đẩy hợp tác công – tư hiệu quả nhằm xây dựng định hướng chiến lược thúc đẩy các thực hành bền vững. Hướng tới mục tiêu xây dựng sự kiện thường niên. Đây là diễn đàn đầu tiên và chúng tôi mong muốn diễn đàn này được duy trì hằng năm và được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng chiến lược để giải quyết những thách thức lớn mà các khu công nghiệp đang đối mặt, đồng thời góp phần định hình một tương lai bền vững cho ngành công nghiệp Việt Nam”.
Trong phát biểu đề dẫn Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Khánh – Tổng Giám đốc Cổng thông tin Khu công nghiệp Việt Nam, đơn vị tổ chức Diễn đàn nhấn mạnh, với mục tiêu tăng cường đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực phát triển Khu công nghiệp, Diễn đàn cũng là nơi tạo cầu nối giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế với cơ quan quản lý nhà nước; là nơi kết nối các khu công nghiệp với các nhà đầu tư và tổ chức tài chính để tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án bền vững; thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, địa phương, các tổ chức quốc tế với khu công nghiệp và nhà sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong sản xuất công nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn chung của doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư lớn trên thế giới;
Đồng thời, Diễn đàn sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức giới thiệu các sáng kiến, giải pháp chuyển đổi phát triển bền vững khu công nghiệp thế hệ mới. Thông qua các báo cáo, tham luận tại các phiên trao đổi thảo luận của các diễn giả, diễn đàn hướng đến tham vọng định hình chiến lược, mô hình phát triển và chuyển đổi khu công nghiệp theo hướng thông minh bền vững: Thảo luận các xu hướng phát triển như khu công nghiệp thông minh và ứng dụng công nghệ 4.0.
Cũng theo Bà Kim Khánh, thông tin của Diễn đàn sẽ được truyền thông trực tiếp đến 400 KCN, 1.000 Cụm công nghiệp trong cả nước, 50 tổ chức hiệp hội doanh nghiệp với hơn 1.000 Doanh nghiệp liên quan.
Việc phát triển hạ tầng thông minh và bền vững được coi là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao. Theo báo cáo, hiện cả nước có hơn 400 KCN, với mục tiêu tăng lên 600 vào năm 2030. Việc chuyển đổi các KCN theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường đang được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư vào KCN đang được triển khai mạnh mẽ, với sự tham gia của nhiều tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển các KCN, cụm công nghiệp, nhà máy thông minh, bền vững hướng đến Net Zero đã được tổ chức tại TP.HCM, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp.
Sự hợp tác giữa các chủ đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các tổ chức liên quan đang tạo nên một hệ sinh thái sản xuất công nghiệp – thương mại – dịch vụ khép kín và tương trợ lẫn nhau. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của các KCN Việt Nam.
Ông Nguyễn Chí Toàn – Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất Động sản Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong bối cảnh mới việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) … việc chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái là hướng phát triển tất yếu.
Ông Nguyễn Chí Toàn cho rằng, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách pháp lý nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các khu công nghiệp xanh. Các chính sách này hướng tới việc tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Diễn đàn sẽ tổng hợp nội dung thảo luận thành các báo cáo chiến lược gửi đến Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ và các cơ quan ban ngành. Đây là cơ sở để hoạch định chính sách và đưa ra các quyết định quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam không chỉ là một cường quốc công nghiệp trong khu vực mà còn là hình mẫu của nền kinh tế bền vững, sáng tạo và thịnh vượng.
Như vậy, Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2024 không chỉ là nơi đối thoại, chia sẻ thông tin và chiến lược phát triển, mà còn là nơi kết nối tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan. Đây là bước tiến quan trọng để khu công nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới, sẵn sàng cho kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mỹ Thanh