Cách đây 5 năm, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với chiều dài 55 km được đưa vào vận hành toàn tuyến. Theo công suất thiết kế ban đầu, 4 làn xe của cao tốc đáp ứng cho 44.000 lượt xe mỗi ngày.
Đến năm 2020, tại nhiều thời điểm, lượng phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc đạt hơn 52.000 xe mỗi ngày, hiện tượng ùn tắc, kẹt xe thường xuyên diễn ra. Với vai trò là tuyến đường kết nối chính phục vụ công tác xây dựng sân bay Long Thành trong tương lai, áp lực giao thông lên tuyến cao tốc huyết mạch sẽ ngày càng lớn.
Lưu lượng xe tăng 10% mỗi năm
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết sau 5 năm vận hành, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã phục vụ 76 triệu lượt phương tiện, với mức tăng lưu lượng bình quân 10% mỗi năm.
Mỗi ngày đêm, 42.000-45.000 lượt phương tiện lưu thông qua cao tốc này. Riêng trong năm 2019, cao tốc đưa đón 16,5 triệu lượt phương tiện, tăng hơn năm trước 12%.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thường xuyên ùn tắc bởi lượng xe cộ lớn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Sự quá tải của cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây ngày càng rõ nét sau khoảng thời gian cách ly xã hội. Theo Ban Quản lý tuyến cao tốc, khi các bãi tắm biển Vũng Tàu mở cửa trở lại hồi đầu tháng 5, tuyến đường cao tốc trở thành lựa chọn chủ yếu của du khách từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ di chuyển.
Trong những ngày cuối tuần, ban quản lý cùng cơ quan chức năng đã làm việc hết công suất để xử lý sự cố, phân luồng, điều tiết giao thông. Tình trạng ùn ứ cục bộ diễn ra thường xuyên tại các điểm giao, đặc biệt tại một số điểm nóng như trạm thu phí Long Phước, nút giao quốc lộ 51 với đường dẫn lên cao tốc, cầu Long Thành.
Theo ghi nhận của trạm thu phí quốc lộ 51, do lượng xe gia tăng đột biến, toàn khu vực phải chịu cảnh kẹt xe kéo dài trong khung giờ từ 5h đến 14h mỗi ngày thứ bảy hoặc các dịp lễ, Tết.
Bộ GTVT cũng nhận định với quy mô 4 làn xe, tuyến cao tốc đang có hiện tượng quá tải, thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng xe ngày càng tăng. Trước thực trạng trên, bộ đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long nghiên cứu mở rộng tuyến đường lên 6-8 làn xe.
“Chất xúc tác” cho sự phát triển toàn khu vực phía nam
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nhận định cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là một công trình ý nghĩa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và sự đầu tư cho dự án này là đúng đắn.
Về mặt giao thông, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã giúp kết nối các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, TP.HCM và Tây Nguyên. Thời gian đi lại giữa TP.HCM và Đồng Nai được rút gọn từ 3 giờ xuống còn 1 giờ.
Đường dẫn vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tại quận 2 (TP.HCM). Ảnh: Lê Quân. |
Tương tự, thời gian và quãng đường đi từ TP.HCM và Phan Thiết, Vũng Tàu đã ngắn đi đáng kể. Đặc biệt, quãng đường từ TP.HCM đi ngã ba Dầu Giây được lược bớt khoảng 20 km, thời gian giảm hơn 2 giờ so với lộ trình cũ.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vận hành còn giúp giảm áp lực cho tuyến xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1A nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, nhất là đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, nơi có mật độ dân cư rất lớn.
Với việc tăng kết nối vùng, tuyến cao tốc còn đóng vai trò là “chất xúc tác” cho kinh tế, du lịch cho các địa phương đi qua. Khu vực Nam Bộ có khả năng tận dụng tuyến đường để khai thác tối đa thế mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, vận tải…
Sức ép giao thông từ sân bay Long Thành
Dự kiến, giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2021. Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc xây dựng tuyến đường kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây để phục vụ thi công dự án là việc cần được làm gấp rút.
Theo quy hoạch giao thông phục vụ xây dựng sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai), cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là 1 trong 2 tuyến đường chính cần được đầu tư để đảm bảo kết nối. Bên cạnh đó, với công suất dự kiến của sân bay là 100 triệu hành khách mỗi năm, tuyến cao tốc sẽ không thể đáp ứng nhu cầu nếu giữ nguyên công suất hiện tại.
Phối cảnh sân bay Long Thành trong tương lai. Ảnh: ADCC. |
Ban lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho rằng cần thiết có một một kế hoạch nâng cấp, mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu của việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, kết nối vùng của TP.HCM và kế hoạch đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, lãnh đạo UBND TP.HCM nêu rõ.
Tại văn bản khẩn do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan gửi Bộ GTVT, thành phố cũng đề nghị cần có sự đầu tư hoàn chỉnh nút giao An Phú (quận 2, TP.HCM) để tăng hiệu quả toàn dự án.
Thành phố cũng đề xuất bổ sung thêm nút giao thông kết nối với tuyến cao tốc trên đường Long Phước (quận 9, TP.HCM). Điều này sẽ giúp quận 9 và khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố có thêm động lực phát triển kinh tế xã hội.
Được khởi công vào tháng 10/2009, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài 55 km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h với tổng vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng.
Ngày 2/1/2014, Ban Quản lý tuyến cao tốc đã thông xe 20 km đầu tuyến (từ đoạn đường vành đai 2, thuộc quận 9, TP.HCM đến quốc lộ 51, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai).
Ngày 29/8/2014, nút giao vành đai 2, (phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM) được đưa vào vận hành.
Ngày 10/1/2015, đoạn đường dài 4km từ nút giao thông An Phú, Mai Chí Thọ (quận 2, TP.HCM đến nút giao vành đai 2) đã cho các phương tiện di chuyển.
Ngày 8/2/2015, toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chính thức được thông xe.