Từ động thái rút quân khỏi Afghanistan; các chuyến công du dồn dập của quan chức ngoại giao, quốc phòng đến châu Á; cuộc tập trận quân sự của Nhóm Bộ Tứ (QUAD)… đến chuyến thăm Singapore và Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa qua, là những dấu hiệu cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm hiện thực hóa chiến lược xoay trục của Mỹ đã được xây dựng từ nhiều năm trước.
Điều chỉnh chính sách
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, rộng ra là Ấn Độ – Thái Bình Dương có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ. Vì vậy, ngay từ thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra Chiến lược “Tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương”, nhằm củng cố địa vị lãnh đạo của Mỹ trong thế kỷ XXI.
Với nội hàm chiến lược gồm: Tăng cường hệ thống liên minh của Mỹ và thúc đẩy quan hệ đối tác của Mỹ ở khu vực; tích cực tham gia cơ chế hợp tác kinh tế và an ninh khu vực; nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc “hợp tác trên cơ sở đối thoại; tăng cường tính linh hoạt và tính sáng tạo của Mỹ trong việc tham gia vào cơ chế hợp tác đa phương. Tuy nhiên, sau khi kết thúc 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, chiến lược này được triển khai không mấy hiệu quả.
Đến chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, không gian chiến lược đã được điều chỉnh mở rộng thành “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, với mục tiêu duy trì vị thế số một của Mỹ. Chính sách của Mỹ đối với khu vực đã được điều chỉnh theo hướng cứng rắn, trực diện hơn; đồng thời, mang tính hợp tác, liên kết rõ nét hơn nhằm mục tiêu vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo đó, Mỹ xác định trở lại cạnh tranh chiến lược dài hạn, mục tiêu chủ yếu là nhằm đối diện với các thách thức an ninh, bảo vệ lãnh thổ Mỹ, duy trì sức mạnh quân sự, bảo đảm cán cân sức mạnh ở những khu vực then chốt, thúc đẩy một trật tự quốc tế có lợi nhất cho an ninh và sự phồn thịnh của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump khi rời nhiệm sở cũng chưa có bước đi nào được ghi nhận, ngoài một số động thái được cho là “lợi bất cập hại”.
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden khẳng định, chuyển chính sách ưu tiên của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương. Những nội dung này đã được vạch ra ngay trong bài phát biểu đầu tiên của ông Biden, ngày 4.2, về chính sách đối ngoại, cũng như trong “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời” được công bố ngày 3.3.2021. Theo đó, Mỹ nhấn mạnh 4 nội dung rất quan trọng: Cam kết về trật tự khu vực dựa trên luật lệ; duy trì hiện diện quân sự và tăng cường răn đe của Mỹ; thúc đẩy các sáng kiến đầu tư; thúc đẩy các tiêu chuẩn cao và hệ giá trị dân chủ.
Đáng chú ý là Washington nhận thấy khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang phải đương đầu với sức ép ngày càng tăng của các nước lớn trong khu vực, cùng với đó là mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Đây cũng chính là khu vực gắn liền với các lợi ích an ninh mang tính sống còn và sự thịnh vượng của nước Mỹ trong những năm tới. Vì thế, Ấn Độ – Thái Bình Dương được Mỹ xếp vị trí thứ nhất theo khu vực địa lý và được ưu tiên trong các chính sách đối ngoại và an ninh – quốc phòng của chính quyền đương nhiệm.
Thực hóa chiến lược
Ngay sau khi lên nắm quyền tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ, nhấn mạnh đến sự hợp tác vì một “Ấn Độ – Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng”. Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cũng đã có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp các nước nêu trên.
Tiếp đó, ông Joe Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến nhóm “Bộ Tứ Kim cương” ngày 12.3, nhằm thảo luận một tầm nhìn mới cho tương lai khu vực. Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo đã trao đổi về các khía cạnh hợp tác nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, cũng như giải quyết các thách thức ở biển Đông, biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 15.3 nhằm củng cố và tăng cường quan hệ với hai đồng minh chủ chốt ở khu vực. Trọng tâm của các cuộc thảo luận là việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; tăng cường khả năng răn đe đối với các mối đe dọa trong khu vực; tầm nhìn của chính quyền Biden – Harris đối với vị thế của Mỹ trên thế giới.
Để có nhiều nguồn lực hơn cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Tổng thống Joe Biden thực hiện kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Được biết, Mỹ chi hơn 2.000 tỷ USD cho cuộc chiến ở Afghanistan, nay rút quân, Mỹ sẽ có nhiều tiềm lực và “rảnh tay” hơn để tập trung cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Mặt khác, việc rút quân khỏi Afghanistan sẽ gây áp lực hơn cho đối thủ của Mỹ, bởi nguy cơ trỗi dậy của phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM).
Từ lâu, Mỹ rất coi trọng khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh các nước lớn đẩy mạnh triển khai chiến lược kinh tế, an ninh và ngoại giao vaccine, thúc đẩy quan hệ với ASEAN lên cấp độ cao nhằm mở rộng ảnh hưởng đối với khu vực. Một số nước ngoài khu vực cũng khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Á – Âu trong chuyển hướng chính sách, nâng tầm vị thế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Vì thế, cuối tháng 5, đầu tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman đã đến Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Kế đó, vào tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin có chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines. Tại đây, ông Austin đã truyền tải các quan điểm chính sách của Mỹ với khu vực và các đối tác Đông Nam Á. Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) quy định sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines đã được khôi phục.
Mỹ tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương ứng phó Covid-19, nỗ lực sản xuất, cung ứng vaccine đầy đủ, an toàn và hiệu quả cho các nước Đông Nam Á. Mỹ cũng đã viện trợ vaccine cho các nước khu vực và đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; đồng thời, cam kết phối hợp chặt chẽ, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.
Trong chuyến thăm Singapore và Việt Nam vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Harris nhận định khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có vai trò “đặc biệt quan trọng” đối với an ninh, thịnh vượng Mỹ và Washington tiếp tục thúc đẩy lợi ích, gắn bó lâu dài tại đây. Mỹ rất coi trọng việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ với ASEAN và các đối tác ở khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, việc đặt văn phòng của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ở Hà Nội, là bước đi mang tính biểu tượng cho sự cam kết lâu dài của Mỹ ở Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung.
Hải quân Mỹ cùng hải quân các nước trong nhóm “Bộ Tứ” vừa có cuộc tập trận Malabar 21 ở ngoài khơi đảo Guam, nhằm tăng khả năng tương tác giữa hải quân các nước tham gia, phát triển sự hiểu biết chung và các quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) đối với các hoạt động an ninh hàng hải. Mỹ cũng dự tính xây dựng một căn cứ quân sự mới tại quốc đảo Micronesia, ở Tây Thái Bình Dương, cách Hawaii hơn 5.900km.
Như vậy, sau một thời gian định hình chính sách cho cả nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã từng bước hiện thực hóa chiến lược của Mỹ, các cam kết, ưu tiên trong chính sách đối ngoại và an ninh đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Theo ĐBND