Ngày 25/4/2024 tại Tp.HCM Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo tham vấn “Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng”.
Hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam. Trong 15 tháng triển khai, Chương trình sẽ trang bị nâng cao cho công chúng kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể chủ động tham gia và đóng góp vào quá trình hiện thực hóa chính sách chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.
Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân tập thể nhằm hướng tới việc thay đổi hành vi của công chúng một cách bền vững, góp phần thúc đẩy những thay đổi về chính sách, tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi để khuyến khích việc áp dụng các thói quen sử dụng năng lượng bền vững trong cộng đồng.
Tiếp nối các tham luận là Phiên thảo luận mở xoay quanh chủ đề: Tầm quan trọng của Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng với sự tham gia chia sẻ của đại diện các cơ quan Trung ương, cơ quan báo chí, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Đặc biệt tại hội thảo, Ban tổ chức đã khảo sát lấy ý kiến trực tiếp các khách mời và đại biểu về những nội dung, chủ đề tiềm năng có thể triển khai liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng, qua đó đóng góp vào sự thành công trong giai đoạn triển khai chương trình thời gian tới đây, nhằm đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và tính bền vững của hoạt động truyền thông.
Phát biểu tại hội thảo, Bà Nguyễn Ngọc Thủy, Điều phối viên quốc gia ETP UNOPS cho biết, có những nhận xét ở buổi hội thảo thứ nhất tại Hà Nội đã chỉ ra những rào cản nhất định khiến thông tin được truyền tải trong các chiến dịch về truyền thông không đến được với công chúng. Vì vậy lần này, chương trình đặt một trọng tâm lớn vào việc tham vấn, lắng nghe, và đề cao tiếng nói của cộng đồng, bao gồm các nhóm bị ảnh hưởng đa chiều bởi quá trình chuyển dịch năng lượng và nhóm xuất hiện giới hạn trong các câu chuyện liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
Nhà báo Dương Trọng Dật, Nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Gòn Giải Phóng cho biết, Truyền thông là một phương tiện thông tin có sức mạnh to lớn trong việc thúc đẩy tinh thần và hành động của mỗi cá nhân. Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường xuyên đăng tải thông tin về những nỗ lực liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam mà điển hình là mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhìn chung, nhận thức của cộng đồng cũng đã được nâng cao, và tôi nhận định rằng công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề chuyển dịch năng lượng, tăng trưởng xanh cần tiếp tục được đẩy mạnh nhiều hơn nữa. Các chiến dịch truyền thông, bên cạnh việc mang đến cho người dân những thông tin ban đầu, mang tính gợi mở, cũng cần đi sâu và mang đến những nội dung truyền cảm hứng, thúc đẩy những hành động và lối sống xanh từ mọi chủ thể đến từ môi trường và các hoàn cảnh sống khác nhau để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về chuyển dịch năng lượng, cần có thêm chương trình truyền thông tới các cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và rộng hơn là cả xã hội những kiến thức cần thiết nhằm thay đổi hành vi của các chủ thể, hướng tới sử dụng năng lượng bền vững.
Để đạt được các mục tiêu chuyển dịch năng lượng, vai trò của cộng đồng vô cùng quan trọng, mang tính chất chất quyết định thành bại trong việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách, giải pháp liên quan đến chuyển dịch năng lượng, vì thế nên theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, PGS.TS Phùng Chí Sỹ – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường kiêm Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất.
Mỹ Thanh