Hơn một năm sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều phương án về việc đưa giá lợn về mức bình ổn. Trong một năm, giá lợn hơi, lợn giống, lợn thành phẩm cùng “nhảy múa” theo những kịch bản ít ai ngờ tới.
Bước sang năm 2020, Chính phủ, Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và nhiều đơn vị liên quan khác thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát giá lợn. Đã có thời điểm giá lợn quay đầu giảm, không ít người tin tưởng giá có thể quay về mức trước dịch. Thậm chí, các giải pháp mà Thủ tướng đưa ra cũng vạch sẵn một lộ trình để đưa giá lợn về mốc trước dịch. Tuy nhiên, giá lợn vẫn cho thấy sự tăng giảm theo cung cầu mà không tuân theo một mệnh lệnh hành chính nào. Từ chỗ ở mức 82.000-86.000 đồng/kg hồi đầu năm thì đến cuối tháng 5 này, ở một số địa phương, giá lợn hơi chạm đỉnh 105.000 đồng/kg, giá thành phẩm cũng đạt mức kỷ lục, có loại lên đến 220.000 đồng/kg.
Dù Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát, giá lợn vân tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Thủy Tiên.
Giá lợn liên tục nhảy múa trong 5 tháng
Gần Tết Nguyên đán (khoảng đầu tháng 1) giá lợn hơi tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam dao động ở mức 82.000 – 86.000 đồng/kg. Khoảng giá này kéo dài được hơn 1 tháng thì có dấu hiệu hạ nhiệt vào cuối tháng 2. Cụ thể, ngày 19- 25/2, giá lợn trên khắp cả nước đồng loạt giảm, trong đó miền Bắc có nơi ghi nhận giảm gần 9.000 đồng/kg lợn hơi trong ngày, về mức 75.000 đồng/kg ở nhiều địa phương. Ở một số tỉnh khác, giá thịt heo sau khi giảm 4.000-5.000 đồng/kg vẫn neo ở mức 80.000 đồng/kg. Tại thời điểm đó, Thứ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định giá sẽ xuống mức 60.000- 65.000 đồng/kg là hoàn toàn khả thi.Giá lợn liên tục nhảy múa trong 5 tháng
Tuy nhiên, đến ngày 27/2, giá có dấu hiệu tăng trở lại, đặc biệt ở khu vực Tây Nam Bộ. Chẳng hạn ở Tiền Giang, lợn hơi tăng 7.000 đồng/kg lên 78.000 đồng/kg. Trà Vinh và Cà Mau cùng tăng 2.000 đồng/kg lên lần lượt 75.000 đồng/kg và 80.000 đồng/kg.
Đến ngày 30/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm việc với 15 doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi. Tại buổi họp, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp thực hiện các giairn pháp nhằm đưa thịt lợn về mức giá trước dịch. Cả 15 doanh nghiệp cam kết sẽ đưa giá lợn xuất tại cửa chuồng từ 75.000 đồng/kg về mức 70.000/kg từ ngày 1/4. Lộ trình đến cuối quý II và quý III, giá sẽ xuống 65.000 đến 60.000 đồng/kg.
Ngay sau đó, đến đầu tháng 4, giá có xu hướng giảm ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Nếu như miền Bắc giảm nhẹ khoảng 1.000 đồng/kg thì tại miền Trung và miền Nam có nơi giảm tới 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhìn chung, giá lợn hơi vẫn ở mức trên 75.000 đồng/kg, có nơi đạt 83.000 đồng/kg. Mức giá này duy trì đến cuối tháng 5 mà không có dấu hiệu hạ nhiệt, cho đến ngày 27/5, giá lợn hơi ở Hưng Yên chạm đỉnh 105.000 đồng/kg, các địa phương khách dao động ở mức 97.000-100.000 đồng/kg. 100.000 – 105.000 đồng/kg được xem là mức giá chưa từng có trong nước.
Cùng với lợn hơi, lợn thành phẩm cũng đạt mức giá kỷ lục. Ngày 27/5, giá thịt ở các chợ truyền thống được bán ở mức trung bình 180.000 đồng/kg, cao nhất là sườn non với 220.000 đồng/kg, thịt ba chỉ, sườn thăn có giá 180.000-190.000 đồng/kg.
Lợn giống trên thị trường hiện nay cũng có giá khoảng 2,5-3 triệu đồng/con, cao gấp đối cùng kỳ năm trước. Giá lợn giống tăng cao cùng với việc dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát hoàn toàn khiến người dân chưa dám tái đàn.
Không điều chỉnh được giá lợn, Việt Nam phải nhập lợn giống
Không ít chuyên gia cho rằng việc kiểm soát giá lợn trên thị trường bằng mệnh lệnh hành chính là điều khó khả thi khi nguồn cung lợn vẫn thiếu hụt. Thói quen tiêu dùng của người Việt cho thấy thịt lợn là thực phẩm không thể thiếu, người Việt cũng không mặn mà với thịt lợn nhập khẩu nên nguồn cầu trên thị trường vẫn rất lớn.
Việt Nam dự kiến sẽ nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Ảnh: N.Minh.
Trong khi đó, các hộ chăn nuôi hiện vẫn chưa dám tái đàn trong bối cảnh giá lợn giống quá cao, dịch tả lợn châu Phi lại chưa được kiểm soát. Tại một số địa phương, dịch tả lợn đang có dấu hiệu tái bùng phát.
Trao đổi với báo chí chiều 28/5, Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến xác nhận sẽ nhập khẩu chính ngạch lợn sống – việc chưa có tiền lệ. Ông Tiến cho biết dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá lợn hơi và giá thịt lợn trong nước liên tục tăng mạnh, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, việc nhập khẩu lợn sống có thể xem là giải pháp để kiểm soát giá lợn trong nước.
“Trước mắt, có thể sẽ nhập lợn sống từ Thái Lan”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Trước đó, Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, nhìn nhận nếu giá thịt lợn tiếp tục đứng ở mức cao như hiện nay sẽ là áp lực đối với lạm phát năm 2020. Riêng thịt lợn chiếm 4,2% trong “rổ” tính toán CPI hàng tháng.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng cho rằng giá thịt lợn “đứng” ở mức cao trong thời gian dài là đáng quan tâm, lo ngại cũng như đặt ra sức ép trong điều hành giá ở tầm vĩ mô năm 2020.
Theo ông Lâm, việc ổn định CPI đang dồn “gánh nặng” vào việc đưa giá thịt lợn hơi về mức 60.000-65.000 đồng/kg và là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay.