Tuyến rạch cải tạo có tổng chiều dài hơn 8,8km, gồm tuyến chính dài 6,6 km từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và ba tuyến nhánh Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu dài hơn 2,2km. Dự án bao gồm nhiều hạng mục quan trọng như xây dựng tuyến kè bằng cừ ván bê tông cốt thép ứng lực; nạo vét lòng rạch đạt cao trình đáy 3,5m với bề rộng 20-30m; xây dựng hệ thống thoát nước thải (ống D300-D1200) và hệ thống thoát nước mưa (D400-4x[5×5]m). Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng mới đường giao thông hai bên rạch (mỗi bên 2 làn xe), đồng thời hình thành công viên, mảng xanh, hệ thống chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 17.229 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách TPHCM. Dự kiến, thời gian thực hiện kéo dài từ năm nay đến 2028.
Theo Ban Quản lý dự án hạ tầng, tổng số trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án là 2.215, trong đó quận Gò Vấp có 138 trường hợp (137 hộ dân và 1 tổ chức là Trường Đại học Văn Lang), quận Bình Thạnh có 2.077 trường hợp (2.017 hộ dân và 60 tổ chức).
Tại gói thầu xây lắp số 3 (XL-03), đoạn từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật (dài 1,3km), đến nay đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu và chính thức khởi công.
Đối với hai gói thầu còn lại (XL-01 và XL-02) nằm hoàn toàn trên địa bàn quận Bình Thạnh, Ban Quản lý đang hoàn tất thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế và lựa chọn nhà thầu để kịp triển khai trước ngày 2/9 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM.
Rạch Xuyên Tâm có chiều dài gần 9 km, chảy qua các quận Bình Thạnh và Gò Vấp, được xem là tuyến rạch ô nhiễm nhất TP Hồ Chí Minh
Rạch Xuyên Tâm là dự án trọng điểm, từng được người dân khu vực kỳ vọng suốt hơn 20 năm qua. Sự kiện khởi công đánh dấu cột mốc quan trọng, cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc cải thiện chất lượng sống cho người dân, đồng thời giải quyết những tồn tại kéo dài về ngập úng và ô nhiễm.
Khi hoàn thành, dự án không chỉ giải quyết vấn đề thoát nước, ô nhiễm, mà còn góp phần chỉnh trang đô thị, kết nối hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực. Đây cũng là bước tiến trong chiến lược xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Mỹ Thanh