Dân số hơn 10 triệu, tiềm lực kinh tế… là những thuận lợi để TP HCM triển khai các dự án trí tuệ nhân tạo. Bí thư TP HCM yêu cầu chính quyền thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu chung với những chuyên gia, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động AI trí tuệ nhân tạo.
Tại hội thảo khoa học Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2019-2025 ngày 20/3, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố có điều kiện rất lớn để hình thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong đó, dân số hơn 10 triệu người, thị trường tại chỗ, nguồn lực kinh tế lớn mạnh là những thuận lợi.
“Làm đô thị thông minh, bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 thì không thể không nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, ông khẳng định.
Bí thư TP HCM yêu cầu chính quyền thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu chung với những chuyên gia, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động AI trí tuệ nhân tạo, đồng thời thành lập một ban xây dựng và điều hành chương trình hợp tác nghiên cứu lĩnh vực này.
“Đây không phải là một ban thuộc chính quyền, mà tập hợp những nhà khoa học tham mưu cho thành phố nghiên cứu gì, đầu tư ở đâu, chọn đối tác chiến lược thế nào, xác định những chương trình trọng tâm trong những năm tới”, ông đặt hàng.
Ông Nhân khẳng định thành phố đủ nguồn lực và ngân sách để phát triển các dự án trí tuệ nhân tạo, song cơ chế chi tiêu phải phù hợp. TP HCM sẽ đề xuất Chính phủ để chương trình này triển khai nhanh, tránh tình trạng xếp hàng chờ duyệt. Ông cũng gợi ý việc hình thành đại học chia sẻ về AI, ở đó các trường có thể phối hợp phát triển các dự án nghiên cứu, hợp tác nhân lực.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia chỉ ra ba mũi nhọn chiến lược để thực hiện và phát triển trí tuệ nhân tạo cho thành phố gồm: đào tạo nhân lực, nắm bắt công nghệ và xây dựng đô thị sáng tạo.
Về nhân lực, PGS Vũ Hải Quân (Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM) nhìn nhận, việc đào tạo trong lĩnh vực này phải tạo ra đội ngũ giỏi, có thể khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo. Nền tảng của vấn đề là tạo sự liên kết giữa nhà trường, nhà tuyển dụng và nhà nước.
Ông Quân đề xuất đưa môn lập trình vào chương trình giáo dục phổ thông, đưa nội dung trí tuệ nhân tạo vào các trường chuyên đồng thời phát triển chương trình đào tạo tiên tiến về môn này.
Về lộ trình, theo ông Quân, giai đoạn 2020-2025 cần làm chủ công nghệ, tập trung vào big data, các hệ thống thông minh, lý thuyết máy học nền tảng. Giai đoạn tiếp theo 2025-2030 là cải tiến công nghệ, phát triển AI theo hướng áp dụng cho y tế, giao thông, quốc phòng. Sau đó trở đi là giai đoạn sáng tạo theo định hướng phát triển của đất nước.
Còn GS Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán) cho rằng, AI phải có mặt và làm thay đổi mạnh mẽ một số lĩnh vực trong đời sống ở TP HCM như: chính quyền số (cơ sở dữ liệu văn bản, các dịch vụ hành chính công); giao thông (bản đồ số giao thông, logistic trong vận tải); y tế (bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân)… “Sau hai năm ta nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, về thành phố thông minh, đã đến lúc chúng ta cần làm nhiều việc và kết quả cụ thể hơn”, GS Bảo nói.
Ngoài việc điều chỉnh chương trình ở các trường, đào tạo kỹ năng và kiến thức mới cho người lao động, TP HCM cần trang bị kiến thức lĩnh vực này cho cán bộ công chức. Thành phố cũng cần một cơ sở dữ liệu để kết nối chuyên gia trong và ngoài nước.
Nhiều đại biểu cho rằng việc triển khai trí tuệ nhân tạo phải tiến hành song song ở các đại học, học viện và các tập đoàn công nghệ. GS Nguyễn Duy Luận (Đại học Texas tại Austin, Mỹ) muốn thành phố có cơ chế cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
“Những yếu tố cần hỗ trợ gồm thuế, văn phòng, dịch vụ về hành chính, luật pháp. Các đại học có thể liên kết với công ty, chủ đầu tư nước ngoài giảng dạy trí tuệ nhân tạo”, GS Luận đề xuất.
Trong khi đó, PGS Nguyễn Hoàng Tú Anh (Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM) nhấn mạnh bốn yếu tố cần tập trung là con người, chính sách, dữ liệu và chọn lọc. Thành phố cần có chính sách trung, dài hạn bởi giai đoạn 2019-2015 chỉ dài sáu năm, không đủ để thực hiện một chiến lược cụ thể. “Cần có kiến trúc sư trưởng để triển khai trí tuệ nhân tạo và đặt hàng cho những bài toán cụ thể hơn để các đại học định hướng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực”, bà nói.
Quan tâm đến việc tham gia các dự án sắp tới, ông Hoàng Minh Phương (CEO một doanh nghiệp công nghệ trẻ TP HCM) mong muốn việc đấu thầu, chọn doanh nghiệp sẽ minh bạch, công bằng. Sự lựa chọn triển khai không thể phụ thuộc vào danh tiếng, mối quan hệ sẵn có mà bằng sự khả thi, hiệu quả.
Trả lời vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định khi triển khai chính thức, việc đặt hàng với doanh nghiệp, các trường đại học sẽ được đấu thầu công khai. Còn ông Dương Anh Đức (Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM) nói việc đầu tư cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sẽ nghiêm túc, không chạy theo phong trào để giải ngân hay theo tư duy nhiệm kỳ.
“Thay vì theo cách làm truyền thống là nghiên cứu các đề án rồi xét duyệt, thành phố đặt những nhóm nghiên cứu độc lập nhu cầu cấp thiết của người dân. Nhóm nào thuyết phục nhất, chứng minh sự khả thi thì chính quyền quyết định đầu tư”, ông Đức cho hay.
Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP HCM giai đoạn 2019-2015 là hội thảo đầu tiên trong chuỗi ba hội thảo dự kiến được tổ chức trong năm nay theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP HCM nhằm xây dựng đề án “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP HCM giai đoạn 2019-2025”. Đề án này được đánh giá có tính chất tương hỗ quan trọng để thực hiện thành công đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, đề án “Xây dựng khu đô thị sáng tạo”.
Theo VNE