Các doanh nghiệp sẽ tích cực phối hợp, khẩn trương bổ sung nguồn hàng, triển khai thêm giải pháp bán hàng… để bù đắp tối đa lượng hàng tạm thời thiếu hụt…
Cả 3 chợ đầu mối của TP HCM là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức đã chính thức ngừng hoạt động vì xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19. Hơn phân nửa chợ truyền thống cũng đã bị phong tỏa khiến việc lưu thông, cung ứng hàng hóa ở TP HCM gặp không ít khó khăn.
Nhanh chóng bổ sung nguồn hàng
Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ dự đoán trong vài ngày tới, khả năng cao trên mâm cơm của người dân TP HCM sẽ thiếu hải sản tươi. Việc thiếu hụt nguồn hải sản tươi không chỉ xảy ra ở kênh phân phối chợ mà còn tại một số siêu thị. Hiện các siêu thị đã tăng cường các loại cá đồng để thay thế cá biển.
Lực lượng chức năng tiến hành phun, khử khuẩn chợ Bình Điền (TP HCM) trong ngày 6-7.
Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) đang kinh doanh quầy thủy hải sản tươi sống tại 100 cửa hàng Satra Food và 15 siêu thị Co.opmart. Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc APT, cho biết nguyên liệu hải sản đang thiếu trầm trọng, thủy sản nước ngọt lại không xuất ao được do vướng mắc trong khâu vận chuyển. Dù vậy, công ty sẽ cố gắng bảo đảm đưa ra thị trường ít nhất 70-100 mặt hàng mỗi ngày (trước đây khoảng 100-150 mặt hàng). APT cũng đang tính nhập khẩu một số mặt hàng như cá thu đao, cá sa ba và tăng cung ứng ra thị trường các mặt hàng cá khô để bổ sung thêm lựa chọn cho khách hàng.
Chiều 6-7, trao đổi với phóng viên, các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op (hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food), Central (hệ thống Big C, Go!), Satra (hệ thống cửa hàng Satra Food, siêu thị Sài Gòn, siêu thị Satra Phạm Hùng, Satra Củ Chi), VinMart, VinMart+, Lotte Mart, MM Mega Market cho hay đã chuẩn bị lượng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hàng thiết yếu tăng gấp 3-5 lần để dự trù cho tình huống lượng mua sắm tăng cao trong những ngày tới.
Ngoài việc chuẩn bị thêm nguồn hàng cho nhóm khách hàng cũ, MM Mega Market còn triển khai dự án phối hợp Sở Công Thương TP cung cấp rau củ quả, thủy sản… giá hỗ trợ cho tiểu thương các chợ truyền thống. “Chúng tôi sẽ chọn ra khoảng 10 mặt hàng thủy sản tiêu thụ mạnh nhất tại chợ Bình Điền để cung cấp cho tiểu thương các chợ với giá tốt nhất để họ có thể bán lẻ đến người tiêu dùng” – đại diện MM Mega Market tính toán và tiết lộ nguồn hàng này được chuyển trực tiếp từ trạm thu mua của hệ thống tại Cần Thơ về TP.
Tại hệ thống Saigon Co.op, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc kinh doanh, cho hay đang cân nhắc việc sắp xếp lại danh mục hàng hóa bán trực tiếp tại siêu thị, tập trung khoảng vài trăm món hàng người tiêu dùng mua nhiều và gom những mặt hàng này vào một khu vực riêng để khách hàng, shipper chọn hàng nhanh hơn. Tất cả mặt hàng không phải lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ khuyến khích khách mua online.
Hệ thống VinMart cũng tăng dự phòng hàng hóa cũng như tăng cường nhân sự khoảng 20% và áp dụng đầy đủ hình thức bán hàng online cho hơn 500 điểm bán VinMart và VinMart+ trên địa bàn TP.
Không lo thiếu thịt heo
Đối với mặt hàng thịt heo, cả 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn đều đóng cửa khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên, các DN bán lẻ khẳng định nguồn cung thịt heo cho thị trường trong những ngày tới không đáng lo do có nguồn dồi dào từ các lò mổ, các DN lớn như Vissan, Anh Hoàng Thy, C.P… sẵn sàng cung cấp sản lượng dồi dào. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng cho rằng khả năng thiếu cung hoặc giá tăng đột biến rất khó xảy ra.
“Cuối tháng 6, khi chợ đầu mối Hóc Môn (chiếm hơn 50% sản lượng thịt heo toàn TP) đóng cửa, thịt heo vẫn không thiếu do hoạt động buôn bán chuyển từ chợ sang lò mổ hoặc giao hàng tận nơi. Các tiểu thương chợ dân sinh cũng kịp thời chuyển nơi bán hoặc tìm cách giao tận nơi cho người tiêu dùng. Bây giờ chợ Bình Điền tạm ngưng hoạt động thì chuỗi cung ứng thịt heo cũng sẽ chuyển dịch tương tự” – ông Công dự đoán.
Theo ông Nguyễn Trí Công, hiện giá heo hơi khu vực Đông Nam Bộ xoay quanh mức 55.000 – 60.000 đồng/kg, nguồn cung dồi dào là cơ sở cho việc giá thịt heo khó tăng đột biến. Giá thịt heo mảnh bán sỉ ở mức 86.000 đồng/kg (loại 1), 60.000 – 70.000 đồng/kg (heo loại 2, mỡ nhiều), giảm nhiều so với trước đợt dịch này.
Theo đại diện Công ty CP GreenFeed Việt Nam (sở hữu 3 thương hiệu thực phẩm là G-Kitchen, Mamachoice và Wyn), công ty đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu mua sắm và tích trữ thực phẩm của người tiêu dùng trong những ngày cao điểm dịch Covid-19 đang diễn ra tại TP HCM. Ngoài những kênh bán hàng truyền thống tại siêu thị, chợ, tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà trên app/website G Kitchen, công ty này còn phối hợp các hệ thống siêu thị AEON, Lotte Mart, Co.opmart, Emart, Tops Market tại TP HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu và Bình Dương giảm giá 20% đối với một số mặt hàng.
Thương hiệu thịt heo MEATDeli cũng đã tăng gấp đôi nguồn hàng bán tại 555 điểm bán, trong đó phần lớn là các cửa hàng VinMart+ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Để hàng hóa được thông suốt, TP HCM khuyến khích thương nhân các chợ đầu mối đang đóng cửa là Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức tăng cường bán hàng online, giao dịch trực tiếp từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thị trường nhận định các chợ đầu mối phân phối đến 60%-70% lượng nông sản phục vụ thị trường TP HCM mỗi ngày. Việc cả 3 chợ đầu mối tạm ngừng hoạt động khiến nguồn cung hàng hóa cho kênh tiêu thụ giảm rất mạnh. Các DN phân phối hiện đại dù tăng tối đa năng lực dự trữ, cung ứng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% thị trường, vì vậy trong những ngày tới, có khả năng xảy ra hiện tượng thiếu hụt cục bộ ở một vài thời điểm, một số mặt hàng, giá bán cũng sẽ bị ảnh hưởng.
|
Thanh Nhân (theo NLĐ)