Sau 10 năm bỏ hút thuốc, nguy cơ ung thư phổi giảm xuống khoảng một nửa so với người hút thuốc.
Hàng năm, vào ngày 31- 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác toàn cầu kỷ niệm Ngày Thế giới không thuốc lá. Chiến dịch hàng năm là cơ hội để nâng cao nhận thức về tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, khuyến khích nói không với thuốc lá.
Theo PGS- TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 2019 là “Thuốc lá và các bệnh về phổi” trong đó tập trung làm rõ những tác hại do thuốc lá gây ra đối với sức khỏe lá phổi của người dân trên toàn thế giới.
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn hai phần ba số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu.
Hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư, sự ô nhiễm các chất độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mãn tính và giảm chức năng phổi cho những người sống và làm việc tại các nơi này. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165. 000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.
Ngày 26-5-2019 Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế tổ chức Mit tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31-5, năm 2019 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”.
Theo NLĐ