Tái cơ cấu chăn nuôi lợn đang đi đúng hướng
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tái cơ cấu chăn nuôi lợn đang đi đúng hướng khi chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn.
Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2021, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đạt chiếm 50-60%.
Năm 2021 tổng đàn lợn thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn quy mô lớn, đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát…) và nước ngoài (CP, Jafa comfeed, Newhope, CJ, Emivest, Cargill…) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi.
Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.
Các nhân tố mới, mô hình mới về chăn nuôi đang phát triển mạnh, đặc biệt là mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi khép kín (sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi đến giết mổ và phân phối ra thị trường).
Ông Tiến cho rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng về giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình nuôi dưỡng, công nghệ sinh học… đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Mỗi năm có hàng chục tiến bộ kỹ thuật và giải pháp khoa học công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất chăn nuôi đã nâng cao được năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao. Các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước hoặc dự án hợp tác quốc tế trong chăn nuôi, đã và đang có tác động lớn và lan tỏa mạnh tới sản xuất, tạo đà cho chăn nuôi phát triển.
Cùng với đó, các mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi công nghệ cao đang được nghiên cứu và phát triển, hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong thời gian sắp tới.
Sẽ có hệ sinh thái chăn nuôi phù hợp với thực tiễn
Chia sẻ về giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cơ chế chính sách đang tạo đà cho ngành chăn nuôi phát triển.
Đó là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi để phục vụ công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi.
5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020.
Cùng với đó, Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị với Quốc hội cho giảm các loại phí, thuế thu nhập doanh nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ khôi phục sản xuất chăn nuôi sau khủng hoảng về dịch bệnh ở vật nuôi và trên người.
“Các chính sách liên quan đến tín dụng, thương mại, phát triển khoa học công nghệ đồng bộ, cộng với việc nâng cao năng suất chất lượng, giống vật nuôi, chúng ta sẽ có hệ sinh thái phù hợp với thực tiễn, ứng phó có hiệu quả để phát triển chăn nuôi lợn nói riêng và chăn nuôi nói chung một cách bền vững”, ông Tiến khẳng định.
Đối với vấn đề giảm giá thành, nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong nhiều năm qua, hoạt động nghiên cứu sử dụng nguyên liệu vào địa phương đã có hiệu quả.
Trên cơ sở nghiên cứu phân tích của các chuyên gia, kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trên nhiều mô hình, có sức lan tỏa rất rộng theo hướng phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ và tuần hoàn.
Theo ông Tiến, giá thức ăn chăn nuôi nhiều năm qua tăng cao, đặc biệt từ năm 2021 đến nay đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi.
Giá thức ăn chiếm 60 – 70% giá thành. Để giải quyết vấn đề này, các nghiên cứu của Bộ NN&PTNT đã đánh giá nguyên liệu thức ăn của các địa phương bằng phần mềm, đưa ra được công thức thức ăn, đánh giá đầy đủ tiêu chí dinh dưỡng. Kết quả nghiên cứu đó đã ứng dụng trong chăn nuôi lợn, gia cầm. Thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này, theo đó, giá thức ăn sẽ giảm từ 300-1.000 đồng/1kg.
“Nếu giảm 1.000 đồng trên 10.000 đồng/1kg thức ăn chăn nuôi thì chúng ta đã giảm 10% chi phí thức ăn và giảm 5-7% giá thành chăn nuôi. Chúng ta yên tâm với giải pháp này, chúng ta sẽ có giải pháp chủ động và hiệu quả để phát triển chăn nuôi bền vững”, ông Tiến phân tích.
Cũng hướng tới việc giảm áp lực nhập nguyên liệu cho chăn nuôi lợn nói riêng và cho ngành chăn nuôi nói chung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết Bộ đang xây dựng đề án thành lập các HTX tập trung chủ yếu vào sản xuất nguyên liệu. Làm sao để tăng công suất của các nhà máy, doanh nghiệp trong nước sản xuất nguyên liệu, đồng thời, chuyển một số diện tích trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu cho chăn nuôi.
Theo DNVN