Các ứng dụng (app) bán hàng trực tuyến (online) từng được số đông tiểu thương ở TPHCM cài đặt nhằm tăng doanh số bán hàng, nhưng nay họ đồng loạt gỡ bỏ do chúng không còn hữu ích.
Khách ít đặt hàng qua ứng dụng
Cuối năm 2020, khi các tiểu thương chuyển sang hình thức bán hàng online, chợ Tân Định (Q.1) luôn tấp nập tài xế các hãng Foody, Grab Food, Baemin, ShopeeFood, Loship, GoFood… đến lấy đồ ăn để giao cho khách. Lượng đơn hàng đặt qua ứng dụng luôn nhiều hơn mua trực tiếp. Nhưng hiện nay, lượng khách đặt mua hàng qua ứng dụng ngày càng ít đi. Chủ các quầy, sạp cũng gỡ bỏ logo các ứng dụng chỉ dẫn đặt hàng trên các tủ đựng thực phẩm.
Trước đây, mỗi ngày, sạp bún mắm Cô Bông trong chợ Tân Định bán được 200 tô bún, trong đó có đến 150 tô được đặt qua ứng dụng. Hiện nay, lượng khách đặt mua qua ứng dụng bằng thậm chí ít hơn số khách mua trực tiếp do khách ngại tốn phí giao hàng (ship). Có những ngày, số khách đặt qua ứng dụng chỉ vài người. “Giá ăn tại chỗ là 55.000 đồng/tô nhưng giá bán qua ứng dụng là 60.000 đồng/tô để trừ vào chiết khấu cho các ứng dụng. Do giá xăng tăng nên phí giao hàng cũng tăng, đẩy giá từ 55.000 đồng lên 78.000 đồng/tô, khiến khách ngán đặt” – chủ sạp Cô Bông nhận định.
Ở chợ Tân Định, lượng khách đặt mua thực phẩm qua ứng dụng hiện đã giảm mạnh. Ảnh: Thanh Hoa
Chủ sạp chè Vân trong chợ Tân Định cho biết, giá bán chè trực tiếp hay qua ứng dụng đều 20.000 đồng/ly nhưng nếu đặt qua ứng dụng, người mua phải tốn thêm phí ship 21.000 đồng nếu ở cách chợ dưới 1km. Do đó, việc mua qua ứng dụng chỉ có lợi khi mua với số lượng từ năm ly trở lên.
Chị Yến Lan – chủ sạp bán bún thịt nướng, bánh ướt, bánh hỏi ở chợ Tân Định – kể mỗi ngày, chị bán khoảng 70-80 suất. Lượng khách đặt mua thức ăn của sạp chị qua ứng dụng còn nhiều là do chị đăng ký cùng lúc sáu ứng dụng, có ứng dụng thu phí đăng ký 1 triệu đồng.
“Ngoài phí giao hàng tăng, chiết khấu cho mỗi đơn hàng cũng sẽ tăng 5% từ tháng Năm tới, theo thông báo của một số chủ app (mức phí hiện nay là 20 – 30% tùy ứng dụng). Đó là chưa kể, để có khách đông, người kinh doanh phải liên tục chạy theo các chương trình khuyến mãi với chi phí cho mỗi đơn hàng 25%. Do không còn lời, các tiểu thương không chạy theo chương trình khuyến mãi nữa nên khách cũng vơi dần” – chị Yến Lan nói.
Các hộ kinh doanh ở phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm, công viên Bách Tùng Diệp (Q.1), tiểu thương chợ Vườn Chuối (Q.3), chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) cũng cho biết không còn mặn mà với các app bán hàng online.
Chị Ngọc – bán bánh tầm bì ở chợ Vườn Chuối – cho hay nửa năm trước, chị đăng ký bán hàng qua ứng dụng ShopeeFood, giúp lượng khách tăng 20 – 30%. Nhưng hiện nay, chị đã ngưng bán hàng qua ứng dụng này do giá thực phẩm tăng, phí chiết khấu tăng, lượng khách đặt ít, lợi nhuận không còn. Chị nhẩm tính, giá bán một phần bánh tầm bì là 30.000 đồng, nhưng giá nguyên vật liệu tăng thêm khoảng 10-15% so với lúc trước, chi phí chiết khấu cho ứng dụng khoảng 25%, nên chị chỉ còn lời khoảng 3.500 đồng/phần. Theo chị Ngọc, để tiết kiệm chi phí, người tiêu dùng cũng chọn mua trực tiếp hoặc chỉ đặt qua ứng dụng khi cần mua với số lượng nhiều.
Phí vận chuyển trong nước quá cao
Chi phí vận chuyển, chiết khấu đơn hàng cao đang làm giảm tính cạnh tranh của hình thức bán hàng online không chỉ đối với tiểu thương các chợ truyền thống mà với cả người kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Chị Phương Thảo – chủ gian hàng thiết bị điện tử trên các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki – cho biết mức phí chiết khấu cho mỗi đơn hàng được các sàn quy định khoảng 1 – 5%. Muốn đơn hàng không bị “chìm”, chủ gian hàng phải bỏ chi phí chạy các chương trình như flash sale (khuyến mãi), hỗ trợ phí ship, tương tác với khách hàng, quản lý khách hàng, quảng cáo… mỗi đơn hàng tốn khoảng 18 – 25%.
Theo chị Phương Thảo, hiện đang tồn tại một nghịch lý là mặt hàng có kho đặt ở Trung Quốc lại có phí vận chuyển thấp hơn hàng có kho đặt ở TP.HCM, TP.Vũng Tàu. Khi thử đặt mua hàng trên các sàn TMĐT, chúng tôi ghi nhận, lời chị Phương Thảo nói hoàn toàn chính xác.
Lên sàn Lazada đặt một sản phẩm đồ chơi búp bê mô hình với giá 167.000 đồng, chúng tôi được báo mức phí vận chuyển 22.000 đồng và được Lazada giảm thêm 12.000 đồng, chỉ còn 10.000 đồng, trong khi kho hàng đặt ở Trung Quốc. Tương tự, một đơn hàng búp bê đồ chơi khác trị giá 321.000 đồng, kho hàng đặt ở Trung Quốc, phí vận chuyển chỉ 16.000 đồng. Nhưng khi đặt mua một áo khoác giá 32.000 đồng, kho hàng ở TP.HCM, chúng tôi được báo mức phí giao hàng là 25.000 đồng. Khi đặt mua một nồi chiên không dầu giá 759.000 đồng, kho hàng đặt ở TP.HCM, chúng tôi được báo mức phí giao hàng 49.100 đồng.
Lên sàn Shopee, chúng tôi đặt mua một búp bê giá 153.000 đồng, có kho đặt ở nước ngoài, phí giao hàng chỉ 17.000 đồng nhưng khi đặt mua một búp bê khác có giá 270.000 đồng, kho hàng ở TP.HCM thì phí giao hàng là 16.500 đồng, còn nếu kho hàng ở TP.Vũng Tàu thì phí vận chuyển là 28.000 đồng. Chị Ngọc Quỳnh – chủ một gian hàng mỹ phẩm trên các sàn Shopee – nói do phí giao hàng cao, một số gian hàng mới mở phải chấp nhận bán dưới giá để có lượt người truy cập và mua hàng.
Lý giải về việc phí vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam lại rẻ hơn phí vận chuyển nội địa, ông Trần Việt Huy – Trưởng ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – cho hay mỗi sàn TMĐT có chính sách trợ giá vận chuyển khác nhau. Trước đây, khi muốn mua một sản phẩm trên sàn TMĐT Taobao (Abibaba) của Trung Quốc, người mua phải thông qua đơn vị trung gian nên phải chịu phí vận chuyển cao. Từ khi Alibaba mua lại sàn Lazada, hàng hóa trên Taobao, AliExpress có mặt trên hệ thống Lazada Đông Nam Á và cả Việt Nam. Tương tự, nhà đầu tư nước ngoài cũng đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các sàn TMĐT lớn khác như Shopee, Tiki, Sendo nên hàng hóa từ các nước cũng được bán qua các sàn TMĐT này.
“Hàng từ nước ngoài về Việt Nam phải qua nhiều khâu hơn nên chi phí phải cao hơn. Tuy nhiên, do các chủ sàn TMĐT ở nước ngoài có chính sách hỗ trợ phí vận chuyển hoặc có nhiều chính sách hỗ trợ gian hàng để khuyến khích gian hàng hỗ trợ phí vận chuyển cho bên mua hàng nên khách hàng chỉ trả mức phí rẻ. Một số cửa hàng lớn của nước ngoài có luôn hệ thống vận chuyển chặt chẽ, không qua nhiều công đoạn xử lý nên chi phí cũng được tiết giảm. Trong khi đó, ở Việt Nam, mỗi gian hàng phụ thuộc vào một đơn vị vận chuyển nên phí vận chuyển cao hơn” – ông Trần Việt Huy nói.
Tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ tiểu thương gặp khó vì COVID-19
Sở Công thương TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện về vấn đề thực hiện chính sách hỗ trợ tiểu thương các chợ truyền thống gặp khó khăn vì dịch COVID-19. |
Theo Thanh Hoa/PNO