Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, trái cây lao dốc; trong khi giá rau xanh, thịt heo, thịt gà, hải sản… đồng loạt tăng mạnh.
Giá vàng lao dốc
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.921 USD/ounce, giảm mạnh hơn 21 USD so với chốt phiên trước.
Tuần qua, giá vàng thế giới chịu tác động của nhiều luồng thông tin. Đầu tuần, khi căng thẳng Nga – Ukraine dịu lắng do vòng đàm phán thứ tư vẫn đang diễn ra. Hai bên cố gắng giải quyết các bất đồng để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và đảm bảo an ninh, hoà bình. Giá vàng thế giới đã có lúc giảm xuống dưới 1.910 USD/ounce.
Tuy nhiên, giữa tuần giá vàng lại được hỗ trợ bởi thông tin Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc 2 ngày họp và đưa ra quyết đinh nâng lãi suất cơ bản đồng USD lên 0,25% so với trước đó. Với quyết định này, cả giới chuyên gia và đầu tư đều cho rằng nó không đủ để kiềm chế mức lạm phát đã tăng quá mạnh lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Hơn nữa, mặt bằng giá cả đang thiết lập ở mức cao hơn khi giá xăng tăng khi giá dầu thế giới tăng, nhưng không chịu giá khi giá dầu thế giới đã giảm đến gần 30% do với đỉnh cách đây 2 tuần.
Giá vàng 2 phiên giữa tuần đã tăng mạnh liên tiếp lên trên 1.940 USD/ounce. Phiên cuối tuần, giá vàng thế giới lại quay đầu giảm khi đàm phán giữa Nga và Ukraine có những tiến triển mới.Cụ thể, mới đây, cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine – ông Mikhailo Podolyak cho biết, khoảng vài ngày đến 1,5 tuần nữa Nga và Ukraine có thể sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình. Kiev muốn sửa đổi chi tiết của kế hoạch cụ thể liên quan đến hoạt động rút quân của Nga khỏi Ukraine trong thỏa thuận hòa bình.
Trong đó, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng thảo luận về những diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình hình nhân đạo tại đây. Hai bên đã ra Thông cáo rằng: Chiến tranh không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào và cần tạo cơ hội cho giải pháp ngoại giao… Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết: Đây là thời điểm chuẩn bị cho một cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine.
Cùng với những thông tin kể trên, vào đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành điện đàm. Hai nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ – Trung sẽ thảo luận về vấn đề quản lý cạnh tranh giữa hai nước, như căng thẳng thương mại song phương và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Dù cho có kết quả rõ ràng nào, nhưng chuyên gia nhận định, sau cuộc điện đàm này chắc chắn việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được từng bước tháo gỡ. Giá hàng hóa và lạm phát tại Mỹ sẽ hạ “nhiệt”.
Do đó, giới đầu tư quay lại chốt lời sớm khi giá vàng đã tăng mạnh 2 phiên liền giữa tuần. Tính chung trong tuần, giá vàng thế giới đã giảm 53 USD/ounce so với giá mở cửa tuần và giảm 67 USD/ounce so với giá chốt phiên cuối tuần trước.
Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC đảo chiều giảm mạnh so với phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua – bán quanh mức 67,700 – 68,900 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua – bán trong khoảng 67,700 – 68,920 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,800 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,000 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,000 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,000 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tuần qua, giá vàng SJC trên thị trường trong nước đã giảm đến 600.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Doji giá vàng SJC lại tăng đến 650.000 đồng/lượng; còn tại Phú Quý giảm 500.000 đồng/lượng vàng SJC so với giá mở cửa tuần. Hầu hết các doanh nghiệp đều đã thu hẹp chênh lệch giá giữa chiều mua và bán từ trên 2 triệu đồng xuống còn trên 1 triệu đồng/lượng.
Sau khi tăng mạnh vào cuối tuần trước, vàng SJC đã giảm giá trong tuần này và cũng thu hẹp chênh lệch với vàng thế giới từ hơn 17 triệu đồng cuối tuần trước xuống còn 15,5 triệu đồng/lượng cuối tuần này. Thị trường vàng trong nước đã đón nhận số người bán ra nhiều hơn số người mua vào với tỷ lệ 55% bán và 45% mua vào.
Theo nhận định của chuyên gia, giá vàng SJC đã tăng quá “nóng”, do đó khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua khi giá đang ở mức quá cao như hiện nay và chênh lệch hai chiều mua – bán vẫn đang giãn rộng, khó có thể thu lời.
Giá bán lẻ thịt heo tăng thêm 5.000 đến 10.000 đồng/kg. Ảnh: VTV.vn
Giá rau, thịt đồng loạt tăng mạnh
Từ sau dịp Tết Nguyên Đán tới nay, giá xăng, dầu liên tục tăng mạnh khiến nhiều mặt hàng thiết yếu cũng chạy theo mà lập mặt bằng giá mới.
Theo khảo sát tại một số chợ dân sinh địa bàn TP. Hà Nội, hầu hết giá của các loại rau, thịt, hải sản đều đồng loạt tăng. Các tiểu thương cũng khẳng định rằng, do giá xăng đắt đỏ vì thế khâu vận chuyển hàng hóa, giá cả nguyên vật liệu đều tăng cao nên buộc phải tăng giá mới có lãi.
Theo đó, giá rau tăng từ 5.000 – 20.000 đồng tùy loại. Cụ thể, rau ngót, cải canh tăng từ mức 7.000 đồng/mớ lên khoảng 10.000 – 12.000/đồng/mới. Ngoài ra, bắp cải tăng từ 7.000 – 18.000 đồng/kg,; cải xoong tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Chị Lê Thu Phương, tiểu thương kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Giá rau đợt này vẫn luôn ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với áp lực giá xăng dầu tăng mạnh nên hầu hết tất cả các loại hàng hóa đều tăng chứ không riêng gì rau”.
Bên cạnh đó, giá cả của các loại thịt cũng nhỉnh hơn so với giá cũ. Giá bán lẻ thịt heo tăng thêm 5.000 đến 10.000 đồng/kg (từ 130.000 đồng – 180.000 đồng/kg tùy loại thịt). Giá thịt gà ta cũng tăng từ 10.000 đồng/kg, với giá bán từ 135.000 – 150.000 đồng/kg.
Ngoài ra, giá cả mặt hàng thủy sản và hải sản cũng tăng theo đà giá xăng. Cá trắm hiện có giá dao động từ 50.000 – 90.000 đồng/kg; cá trôi từ 50.000 đồng/kg; tôm tăng mức 230.000 đồng/kg lên 250.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại.
Theo chị An, tiểu thương kinh doanh tại chợ Mỹ Đình, Hà Nội chia sẻ, rất khó để kìm giá của các loại thực phẩm thiết yếu khi giá xăng, dầu tăng kỷ lục như hiện nay: “Hôm trước giá xăng tăng bao nhiêu, thì hôm sau nhập hàng về các thương lái cũng tăng bấy nhiêu. Hơn nữa, kinh doanh tại chợ phải qua nhiều khâu trung gian khác nên chúng tôi cũng phải tăng giá. Tuy nhiên, các mặt hàng cũng không dám tăng mạnh, chỉ khoảng 5-10% mỗi mặt hàng”.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng không ngừng khiến sức mua của người dân cũng giảm đi nhiều so với trước đây.
Cũng theo chị An, giá cả đắt đỏ khiến nhiều người không khỏi đắn đo khi đi chợ. “Sức mua giảm đi đáng kể, nếu trước đây, mỗi người tới tiệm tôi thường mua từ 1 – 1,5kg thịt nhưng giờ giá tăng nên họ chỉ mua khoảng 5 lạng thôi” – chị An cho biết.
Nhiều loại trái cây rớt giá
Hiện nay, những loại trái cây giá rẻ được bày bán trên nhiều tuyến đường ở cả khu vực nội ô và nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dạo quanh nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ như Nguyễn Văn Cừ, Cách mạng Tháng 8, quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ 80, đường tỉnh 923… những đống dưa hấu, thanh long hay xoài Ðài Loan chất cao bên đường với giá bán chỉ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá nhiều loại ổi, mít, đu đủ… được bán lẻ tại nhiều nơi cũng ở mức khá thấp, với chỉ từ 8.000 – 15.000 đồng/kg.
Bà Trương Thị Hằng, chủ cửa hàng bán dưa hấu và thanh long trên đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 91B) ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đầu ra xuất khẩu gặp khó, nhiều loại trái cây đã giảm giá mạnh, trong đó có giá dưa hấu và thanh long. Trong những tuần gần đây, giá nhiều loại thanh long được tôi bán lẻ ra chỉ còn ở mức 5.000 – 8.000 đồng/kg nhưng sức tiêu thụ khá chậm do người tiêu dùng đang tiết kiệm chi tiêu hằng ngày. Còn giá bán nhiều loại dưa hấu hiện chỉ ở mức 5.000 – 6.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá lên đến 10.000 – 15.000 đồng/kg”.
Gần đây, giá xoài Ðài Loan và mít Thái cũng giảm vì đầu ra xuất khẩu gặp khó, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do vậy, nhiều tiểu thương, doanh nghiệp phải tăng cường tiêu thụ hàng tại thị trường nội địa. Ðồng thời, nông dân cũng đã hái xoài, mít và các loại trái cây do mình trồng, đưa ra đường lộ trước nhà để bán.
Ông Nguyễn Văn Nhật ngụ xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Gần đây, xoài Ðài Loan thương lái thu mua xô tại vườn chỉ còn 5.000 đồng/kg. Ðể tiêu thụ xoài với giá cao hơn, tôi đem ra con lộ trước nhà bán lẻ nhưng khá chậm vì đâu đâu cũng có bán loại xoài này. Xoài Ðài Loan là giống xoài chuyên ăn sống vốn trồng để xuất khẩu. Các năm trước, khi đầu ra xuất khẩu thuận lợi và diện tích trồng cũng chưa nhiều như hiện nay, giá xoài Ðài Loan có nhiều thời điểm lên đến 20.000 – 40.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Còn hiện tại giá quá thấp, trong khi phân bón, xăng dầu và nhiều chi phí sản xuất đầu vào lại tăng cao nên nông dân gặp nhiều khó khăn. Nông dân rất mong giá đầu ra trái cây sớm tăng trở lại”.
Ông Huỳnh Văn Năm, có hơn 6 công đất trồng mít Thái tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Gần đây, giá mít Thái đạt chuẩn xuất khẩu có nhiều thời điểm chỉ ở mức 4.000 – 7.000 đồng/kg (giá bán xô), còn mít bán chợ chỉ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Nông dân trồng mít không còn có được nguồn thu nhập tốt những năm trước đây khi mít Thái còn bán được giá cao, lên đến vài chục ngàn đồng mỗi ký. Trong khi đó, hiện giá nhiều loại phân bón đã ở mức trên dưới 1 triệu đồng/bao”.
Giá nhiều loại trái cây như xoài Ðài Loan, Thanh Long, mít Thái, dưa hấu… giảm chủ yếu do đầu ra xuất khẩu gặp khó vì còn phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường, cũng như do thời gian qua nông dân đẩy mạnh trồng làm nguồn cung tăng cao. Bên cạnh đó, các loại trái cây này chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô, không thể bảo quản để lâu nên dễ gặp cảnh “thừa hàng, dội chợ” và giá bị giảm mạnh, nhất là khi bước vào các thời điểm thu hoạch rộ hay khi đầu ra xuất khẩu gặp khó.
Theo Tieudung.vn