BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết vắc xin sởi được nhiều quốc gia đưa vào chương trình tiêm chủng cho người dân nhiều năm qua. Vắc xin hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại virus, ngăn mắc bệnh, giảm biến chứng nặng do sởi trên bệnh nhân.
Vắc xin sởi giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả
Khi tỷ lệ tiêm chủng cao, virus sởi không có cơ hội lây lan, đồng thời bảo vệ nhóm người không thể tiêm vắc xin như trẻ sơ sinh, thai phụ, người suy giảm miễn dịch. Ngược lại, khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, dịch sởi có nguy cơ bùng phát.
“Bệnh sởi lây mạnh hơn cúm và Covid-19, mỗi bệnh nhân có thể lây cho 12-18 người không có miễn dịch. Hầu hết người chưa có miễn dịch sẽ nhiễm bệnh khi tiếp xúc virus”, bác sĩ Chính nói, cho rằng chuỗi lây truyền của virus sởi trong cộng đồng chỉ bị cắt đứt khi tỷ lệ bao phủ tiêm chủng đạt từ 95% trở lên.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế thống kê năm 2024 toàn quốc ghi nhận hơn 45.000 ca nghi và mắc sởi, 16 ca tử vong. Hầu hết ca nhiễm không tiêm, chưa tiêm đủ mũi, hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng. Trong năm 2025, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nguy cơ rất cao bùng phát dịch sởi, theo WHO. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 40.000 ca nghi và mắc sởi, 6 ca tử vong. Ca tử vong do sởi mới nhất là bệnh nhi 4 tuổi ở Hà Nội có tình trạng viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển, suy đa tạng. Bệnh nhi chưa tiêm vắc xin sởi.
Trước tình hình bệnh sởi lan rộng tại nhiều địa phương, Bộ Y tế cho phép vắc xin có thể tiêm sớm từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi. Đây được tính là mũi sởi 0 tức mũi chống dịch, sau đó trẻ cần hoàn thành các mũi sởi tiếp theo theo phác đồ thông thường.
Trẻ nên tiêm phòng vắc xin sởi từ 6 tháng tuổi
Trẻ cần tiêm vắc xin sởi sớm từ 6 tháng tuổi
Bác sĩ Chính cho biết trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi có lượng kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền sang con đã giảm dần trong khi hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, dẫn đến nguy cơ mắc sởi cao. Mũi vắc xin sởi này giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm tỷ lệ bệnh trở nặng.
Khi đủ 9 tháng tuổi, trẻ cần tiêm tiếp các mũi vắc xin có thành phần sởi theo phác đồ thông thường để tăng cường hiệu quả, đảm bảo miễn dịch. Lý do, các nghiên cứu cho thấy vắc xin sởi khi tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi sinh nồng độ kháng thể thấp hơn, vì vậy cần bổ sung khi đủ tuổi.
Theo bác sĩ Chính, bên cạnh chương trình Tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm chủng tại các địa phương, gần 220 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc đang triển khai vắc xin phòng sởi và vắc xin phối hợp sởi – quai bị – rubella cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn.
Loại vắc xin được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng là vắc xin sởi đơn MVVAC của Việt Nam và vắc xin phối hợp MMR II phòng 3 bệnh sởi – quai bị – rubella của Mỹ. Mũi vắc xin này là mũi 0, dùng để chống dịch, không tính vào phác đồ chủng ngừa cơ bản. Khi đến 9 tháng tuổi và sau 12 tháng tuổi, trẻ cần tiêm thêm ít nhất hai mũi vắc xin sởi.
Lịch tiêm khác nhau tùy vào chương trình tiêm chủng. Đối với chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi hoàn thành mũi sởi 0, trẻ sẽ tiêm tiếp mũi sởi đơn lúc 9 tháng và mũi thứ 2 lúc 18 tháng. Đối với chương trình tiêm chủng dịch vụ, trẻ sẽ tiếp tục lịch tiêm bằng vắc xin sởi đơn hoặc loại phối hợp sởi – quai bị – rubella lúc 9 tháng; tiêm tiếp mũi 2 lúc 12 tháng tuổi, khuyến cáo mũi 3 nhắc lại lúc trẻ 4 – 6 tuổi. Tiêm đầy đủ vắc xin sởi có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cách phòng sởi là chủng ngừa cho phụ nữ trước khi mang thai. Người mẹ sẽ truyền kháng thể cho thai nhi, giúp bé chống lại mầm bệnh trong những tháng đầu đời. Bác sĩ Chính khuyến cáo phụ nữ tiêm vắc xin sởi trước khi có kế hoạch mang thai ba tháng.
Tiêm vắc xin sởi có thể kết hợp với các loại khác
Trong cùng một buổi tiêm, trẻ có thể tiêm vắc xin sởi đồng thời với các loại khác như cúm, phế cầu, 6 trong 1… Các vắc xin sống khác cần cách mũi sởi 28 ngày. Khi tiêm phối hợp, tùy theo loại vắc xin mà có thể tiêm ở các vị trí khác nhau hay các chi khác nhau.
Việc tiêm phối hợp các vắc xin trong cùng buổi tiêm giúp cho trẻ phòng ngừa nhiều bệnh đồng thời, vẫn đảm bảo cơ thể đáp ứng miễn dịch với phản ứng phụ tương đương khi tiêm riêng lẻ. Từ đó, gia đình tiết kiệm thời gian di chuyển và giảm số lần chăm sóc sau tiêm. Trước khi tiêm, trẻ sẽ được khám sàng lọc sức khỏe, chỉ định loại vắc xin phù hợp và hẹn lịch tiêm tiếp theo theo độ tuổi và lịch tiêm chủng.
Ở khâu khám sàng lọc, bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và kết luận trẻ đủ điều kiện để chỉ định tiêm hay chống chỉ định; cần hoãn tiêm hay chuyển tiêm tại bệnh viện. Các trường hợp cần hoãn tiêm gồm: đang có tình trạng suy chức năng các cơ quan chưa ổn định; mắc các bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng cấp tính, sốt cao trên 38 độ C, hạ thân nhiệt dưới 35,5 độ C; đang hoặc mới kết thúc điều trị corticoid liều cao; sử dụng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trước đó, hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày trước đó…. theo hướng dẫn của Bộ Y tế về khám sàng lọc trước tiêm ngừa.
Các trường hợp cần chuyển tiêm tại bệnh viện gồm: có tiền sử phản ứng phản vệ độ II với bất kì tác nhân nào; tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm với cùng loại vắc xin; bệnh bẩm sinh, mạn tính, ung thư chưa ổn định, trẻ nghi ngờ mắc hoặc mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh chưa xác định được mức độ hoặc mắc suy giảm miễn dịch thể nặng ….
Ngoài trẻ nhỏ, trẻ lớn và người lớn chưa có miễn dịch như chưa từng mắc sởi hoặc chưa tiêm vắc xin cũng có nguy cơ cao nhiễm sởi, cần rà soát để tiêm ngừa đủ mũi.
Trẻ tiêm phòng vắc xin sởi tại VNVC
Sởi là bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có thể bùng phát thành dịch. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khi tiếp xúc với các nguồn chứa mầm bệnh như dịch tiết người bệnh, mặt bàn, vòi nước, tay nắm cửa chứa virus…
Bệnh xuất hiện quanh năm, thường xảy ra dịch vào những tháng mùa đông – xuân. Trẻ mắc sởi dễ gặp các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy cấp viêm loét giác mạc có thể dẫn đến mù lòa, suy dinh dưỡng… Sởi còn phá hủy trí nhớ miễn dịch, khiến trẻ dễ bội nhiễm thêm các mầm bệnh khác như phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, cúm, lao, ho gà, thủy đậu…, tăng nguy cơ tử vong. Mẹ bầu mắc sởi có thể đe dọa tính mạng, khiến thai chết lưu, sinh non, sinh nhẹ cân.
Để phòng sởi, bên cạnh vắc xin, gia đình không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với người nghi mắc sởi. Người lớn thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, giữ vệ sinh thân thể, mũi họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày.
Gia đình đảm bảo nơi ở sạch sẽ, thông thoáng. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần sạch sẽ, thông thoáng, khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập, phòng học… Trẻ cần có chế độ ăn đa dạng, đảm bảo đủ dinh dưỡng, vận động thường xuyên nhằm tăng cường thể trạng.
Gia đình, nhà trường cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban. Người lớn có các dấu hiệu trên cũng cần thăm khám ngay để được điều trị đúng cách. Người bệnh không tự điều trị tại nhà hoặc vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
VNVC đồng hành cùng chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi
Trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp, lan rộng tại nhiều tỉnh thành, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, ngày 17/3, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã kịp thời trao tặng Bộ Y tế 500.000 liều vắc xin sởi MVVAC do Việt Nam sản xuất. Số vắc xin được Bộ Y tế khẩn trương đưa về các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch, đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin sởi trên toàn quốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội, mà còn là cam kết của VNVC trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu trẻ em và gia đình Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau. Trước đó, tháng 9/2024, hàng nghìn bác sĩ, nhân viên của VNVC đã tham gia Chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi do TP.HCM tổ chức, đóng góp cơ sở vật chất, vật tư y tế, điều động đội ngũ tham gia cùng các lực lượng y tế của Thành phố để tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi.
Hồng Hạnh