An tâm, háo hức khi tiêm là tâm lý chung của phụ huynh, học sinh khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Trong chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, TP.HCM đặt an toàn của trẻ lên trên hết, trước hết.
An tâm, phấn khởi khi được tiêm vắc-xin
Tại điểm tiêm Trường THCS Hồng Bàng, em Hồ Thái Tuấn (học sinh lớp 6/2, Trường THCS Hồng Bàng) và mẹ có mặt từ khá sớm. Dù có chút hồi hộp trước khi tiêm tuy nhiên khi hoàn thành mũi tiêm đầu tiên, Tuấn cho biết “em cảm thấy khá thoải mái”.
“Trước khi đi tiêm, em đã được thầy cô, nhà trường và ba mẹ đều động viên nhiều. Thầy cô còn chia sẻ các thông tin cần thiêt cho cả lớp về việc cần thiết khi tiêm vắc-xin cũng như những lưu ý sau khi tiêm. Điều này cũng giúp em thấy an tâm hơn khi đi tiêm, dù ban đầu hơi hồi hộp vì sợ tiêm sẽ đau…”, Tuấn bày tỏ.
Trong sáng 16-4, Trường THCS Hồng Bàng sẽ tổ chức tiêm cho có 165 trẻ được tiêm với 3 bàn tiêm, tốc độ 55 em/bàn.
Tương tự, tại điểm tiêm Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), Phạm Thành Quân (lớp 6/1, Trường THCS Lê Quý Đôn) chia sẻ bản thân rất vui khi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
“Em chỉ thấy hơi tê tê một chút sau khi tiêm. Tối qua em đi ngủ sớm và sáng dậy sớm, ăn sáng đầy đủ trước khi đi tiêm. Mẹ và thầy cô giáo đều động viên chúng em an tâm khi đi tiêm. Các anh chị khối lớp lớn trong trường cũng đã tiêm vắc-xin và ổn định việc học nên em thấy rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn như hiện nay, việc tiêm vắc-xin cùng với ý thức phòng dịch sẽ là liệu pháp tốt nhất giúp việc học, sinh hoạt trở lại bình thường”, Quân hào hứng.
Ngồi chờ con sau tiêm, chị Nguyễn Ngọc Hoàng Kim (phụ huynh học sinh lớp 6/1, Trường THCS Lê Quý Đôn) chia sẻ, trước khi đưa con đi tiêm chị có chút hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên, khi đến điểm tiêm chứng kiến mọi khâu tổ chức đều khoa nhọc, nhịp nhàng, nhất là khâu khám sàng lọc cho con trước tiêm được bác sĩ làm rất kỹ, việc tư vấn sau tiêm cụ thể nên sự lo lắng, hồi hộp đã nhường chỗ cho sự an tâm.
“Tối qua GVCN đã gửi cho phụ huynh những hướng dẫn cần thiết về quy trình tiêm chủng, sáng nay một lần nữa phụ huynh được nhắc lại những điều cần lưu ý này, thông tin rõ ràng nếu cần liên hệ thì phải điện cho ai, bộ phận nào…, nên tôi thấy rất an tâm. Thấy mừng khi con được tiêm vắc-xin để con có sức đề kháng tốt hơn trong dịch bệnh”, chị Nguyễn Ngọc Hoàng Kim vui vẻ nói.
Đặt sự an toàn cho trẻ lên trên hết, trước hết
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng đánh giá các điểm tiêm đã tổ chức rất khoa học, nhịp nhàng, đảm bảo đủ cơ sở vật chất triển khai tiêm an toàn, đạt yêu cầu. Công tác cấp cứu tại điểm tiêm được triển khai đầy đủ.
Tại mỗi điểm tiêm, ngành y tế và ngành giáo dục có sự phối hợp, phân công rõ ràng trong từng khâu. Đặc biệt, nhân viên ngành giáo dục được bố trí từng khu vực tiêm, nắm rõ vai trò của mình chứ không “khoán trắng” cho ngành y tế. Nhiều nhà trường có sự sáng tạo trong khâu tổ chức, tạo tâm lý thoải mái, giúp phụ huynh, học sinh an tâm khi tiêm.
Dù vậy, lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh, đối tượng tiêm lần này là trẻ nhỏ nên công tác tổ chức phải hết sức cẩn trọng, kỹ càng. Mọi sự chuẩn bị của toàn hệ thống phải dự liệu đến những tình huống xấu nhất nhưng công tác tổ chức phải đảm bảo các tình huống tốt nhất.
“Chúng ta phải đặt các tình huống là trẻ gặp phản ứng tức thời sau tiêm thì sẽ xử trí như thế nào. Trong cấp cứu, lực lượng tại chỗ là quan trọng nhất. HCDC phải kiểm tra thường xuyên để luôn sẵn sàng phương án. Ngoài xây dựng phương án cấp cứu chặt chẽ, trong quá trình tiêm các điểm tiêm không được rút sẵn vắc-xin, không xé sẵn kim tiêm, không lắc vắc-xin…”, BS. Nguyễn Hữu Hưng lưu ý.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cũng yêu cầu các trường tiếp tục truyền thông đến phụ huynh về tác dụng của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Dặn dò, hướng dẫn phụ huynh mọi thông tin trước và sau khi trẻ tiêm vắc-xin.
Đặc biệt, giáo viên chủ nhệm phải có “đầu mối” các số điện thoại khẩn cấp liên hệ trong các trường hợp trẻ gặp phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ, thông tin đến phụ huynh.
Bác sĩ thăm khám trước khi tiêm vắc-xin cho học sinh lớp 6 ngày 16-4-2022
“GVCN có vai trò rất quan trọng trong quá trình tiêm của trẻ. Phụ huynh thường chỉ biết đến GVCN trong mọi tình huống. Do vậy, GVCN phải nắm các thông tin để xử lý các tình huống phản ứng sau tiêm, hướng dẫn phụ huynh kịp thời nhất”, ông Dũng đề nghị.
Dù khá an tâm về công tác tổ chức, chuẩn bị, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận, đơn vị của cả ngành y tế và ngành giáo dục song Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đặc biệt lưu ý các điểm tiêm, trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 trong chiến dịch tiêm chủng lần này là đối tượng đặc biệt, các em còn khá nhỏ.
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 1 từ 16-30/4, theo nguyên tắc tiêm từ lứa tuổi lớn và hạ dần độ tuổi.
Hai loại vắc-xin được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lần này theo quy định của Bộ Y tế là vắc-xin Pfizer và Moderna. Khi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chỉ sử dụng cùng một loại vắc-xin để tiêm đủ 2 mũi cho cùng 1 đối tượng trẻ. Không tiêm trộn. Để triển khai chiến dịch tiêm chủng đảm bảo an toàn, TP đã huy động 74 xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115, đồng thời phối hợp với 3 bệnh viện nhi đồng thành phố để xử lý các trường hợp phản vệ sau tiêm. Để tiêm cho 898.537 trẻ trong suốt chiến dịch, ngành y tế huy động 604 đội tiêm với hơn 7.000 nhân viên y tế, bố trí tại 1.326 điểm trên toàn thành phố. Ngoài lực lượng tại chỗ của từng quận, huyện, Sở Y tế cũng huy động thêm 193 đội tiêm từ các bệnh viện, phòng khám đa khoa. PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM lưu ý, một số trường hợp hoãn tiêm trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, bao gồm: Trẻ nhiễm Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm tiêm. Trẻ có bệnh lý cấp tính như sốt…; Trẻ không được phụ huynh đồng thuận. Các trường hợp trẻ có bệnh nền, trẻ béo phì thì cần được sắp xếp chuyển trẻ đến tiêm tại bệnh viện quận hoặc bệnh viện nhi. |
Vì vậy, việc tổ chức tiêm phải thật sự kỹ lưỡng, cẩn thận, chăm lo cho các em về tâm lý, chuẩn bị thật tốt sức khỏe trước tiêm, quan tâm theo dõi đặc biệt sau tiêm. Các đội tiêm chủng được tập huấn, dặn dò kỹ lưỡng nhằm tổ chức tiêm tốt nhất để trẻ được an toàn, thoải mái, phụ huynh cũng cảm thấy an tâm khi đồng thuận cho con tiêm chủng.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, thành phố luôn hướng đến tạo điều kiện cho trẻ học tập tốt nhất. Một trong những điều kiện đó là phải tạo ra sự an toàn, an tâm, nhất là học sinh chưa được tiêm chủng. Vì vậy việc tiêm văc-xin là điều kiện cần để học sinh đến trường được đảm bảo nhất, đảm bảo chất lượng giáo dục và tạo điều kiện học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn.