Dệt sợi, nông sản… và một số ngành hàng của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
“Bị tác động bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, ngành dệt sợi Việt Nam gần như không xuất khẩu sang Trung Quốc (TQ) được, tỷ lệ xuất khẩu rất nhỏ so với mục tiêu đặt ra”. Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – cho biết như trên tại diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ – Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức ngày 18/7 tại TP.HCM.
Ông Giang cho biết, trong khi Việt Nam không xuất khẩu sản phẩm sợi sang TQ được thì TQ lại đang khuyến khích các doanh nghiệp của họ xuất khẩu sản phẩm sợi ngược sang Việt Nam. Đồng nhân dân tệ của TQ không phá giá, VAT đầu vào của họ 17% trong khi VAT Việt Nam chỉ 10% nên sản phẩm sợi của Việt Nam không đua được với TQ về giá cả. Bên cạnh đó, TQ phải chịu thuế 25% nếu muốn xuất khẩu sản phẩm dệt may sang Mỹ. Bị áp lực từ Mỹ, TQ gây sức ép với doanh nghiệp Việt Nam nên không thể bán sợi sang TQ.
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gặp khó khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài |
Cũng theo ông Giang, Việt Nam xuất khẩu 40 tỷ USD/năm, trong đó 42% vào thị trường Mỹ nhưng khâu thanh toán hiện gặp nhiều áp lực. Phía Mỹ thay đổi cách thanh toán và không “khớp” với yêu cầu thanh toán của TQ. Ngoài ra, Chính phủ chưa kiểm soát được tình trạng vận chuyển hàng bất hợp pháp, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt tay với TQ để chuyển các sản phẩm sản xuất tại TQ về làm công đoạn cuối (ủi, đóng gói) và xuất sang Mỹ.
Đang xuất khẩu lượng lớn trái cây Việt Nam sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Vina T&T – cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tạo ra sự dịch chuyển giữa hàng nông sản TQ sang nông sản Việt Nam vào thị trường Mỹ, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng theo ông, ở lĩnh vực xuất khẩu nông sản, cũng phát sinh tình trạng TQ “chạy” thuế, gây sức ép về vận chuyển.
Ông Tùng dẫn chứng, một số hãng hàng không chuyên vận chuyển trái cây hoàn toàn lệ thuộc TQ, nên doanh nghiệp Việt Nam thay vì xuất khẩu 10 tấn trái cây/tuần thì nay giảm còn 5 tấn/tuần, phần vận tải còn lại phải nhường cho TQ để TQ chạy thuế hàng qua Mỹ. Đường tàu biển cũng vậy: doanh nghiệp thường mỗi tuần đi 9 container dừa, 3 container nhãn và 2 container thanh long nhưng giờ phải cắt giảm 50% để nhường chỗ cho TQ đi hàng.
“Đó là lý do khiến trong 6 tháng đầu năm nay, lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không tăng được dù có cơ hội lớn” – ông Tùng nói.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế – cũng cho rằng, TQ đang bảo hộ doanh nghiệp của họ trước, nâng rào cản cao lên khiến xuất khẩu của Việt Nam vào TQ ngày càng khó khăn. Chính phủ phải chiến đấu quyết liệt với việc đội lốt xuất xứ hàng hóa vì nếu Mỹ phát hiện, sẽ rất bất lợi cho Việt Nam. Sắp tới, Việt Nam hội nhập EU, xuất xứ hàng hóa cực kỳ quan trọng.
Cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế để trục lợi, ảnh hưởng đến ngành sản xuất của Việt Nam, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương – nhấn mạnh: “Nếu Mỹ áp thuế trừng phạt, có ngành hàng lên tới 600% thì nguy cơ doanh nghiệp bị phá sản là dễ thấy. Nguy cơ hiển hiện ảnh hưởng lâu dài đến ngành sản xuất của Việt Nam.Từ đầu năm đến nay, mức thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ Công thương đánh giá đây là nguy cơ. Có thể sau TQ, Mỹ sẽ tính toán đến việc cân bằng cán cân thương mại với Việt Nam”.
Theo ông Phú, nguyên tắc của WTO là cân bằng thương mại. Việt Nam không thể giảm xuất khẩu, do đó nên hợp thức hóa chuỗi cung ứng, tăng mua sản phẩm khác của Mỹ. Xúc tiến xuất khẩu qua môi trường thương mại điện tử là xu thế tất yếu. Bộ Công thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mở gian hàng mẫu xuất khẩu trực tuyến, đồng thời phối hợp Amazon đào tạo, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng qua Amazon nhanh chóng hơn.
Theo Nguyễn Cẩm/Phunuonline