Thị trường Tết năm nay chỉ thật sự sôi động trong 1 tuần sát Tết nhưng là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đã lạc quan hơn…
Ngày 7-2, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), cho hay Tết này, khách hàng mua sắm chậm nhịp hơn mọi năm khoảng 2 tuần khiến công ty của ông và nhiều doanh nghiệp (DN) khác lo lắng. Điều đáng mừng là những ngày cuối, sức mua bất ngờ tăng vì với mỗi người Việt Nam, Tết vẫn là dịp đặc biệt và cần phải mua sắm đầy đủ.
Ồ ạt gom hàng sát Tết
Anh Nguyễn Tấn Hòa, phụ trách marketing chuỗi cửa hàng Organic Food, kể lại: “Giữa tháng chạp, nhân viên của tôi gọi điện cho khách hàng thân thiết mời mua hàng nhưng đa phần đều trả lời “chưa biết” nhưng đến cận Tết, họ ùa nhau đi gom hàng. Cuối cùng, một số mặt hàng như rau quả, trái cây không đủ bán do các nhà vườn chuẩn bị không kịp. Riêng bánh chưng, sản lượng tăng 65% so với chuẩn bị nhưng nhờ hệ thống chuẩn bị nguyên liệu và có nhân sự sẵn, kéo dài thời gian sản xuất nên vẫn đáp ứng được các đơn hàng tăng lên”.
Theo các DN, năm vừa qua tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống khó khăn hơn nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm Tết có giảm so với những năm trước. Bên cạnh đó, do hệ thống phân phối hoạt động gần như liên tục nên người dân cũng dần thay đổi thói quen tích trữ hàng hóa, giảm dần việc tập trung mua sắm trước Tết.
Sức mua chỉ bắt đầu tăng sau ngày 25-1 (23 tháng chạp) và tăng mạnh từ ngày 27-1 (25 tháng chạp), tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và phục vụ Tết như: bánh, mứt, bia, rượu, nước giải khát, thịt gia súc, trứng gia cầm, gà ta và một số loại trái cây chưng Tết… Một số hệ thống bán lẻ hiện đại ghi nhận lượng khách trong trong những ngày sát Tết tăng gấp đôi so với ngày thường nhưng vẫn thấp hơn cùng thời điểm Tết 2021 khoảng 10%-15%.
Ghi nhận từ ban quản lý các chợ đầu mối và chợ truyền thống ở TP HCM, giá các mặt hàng phục vụ nhu cầu cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như thịt heo, thủy hải sản, trái cây, hoa… chỉ tăng nhẹ 5.000 – 15.000 đồng/kg.
Về mặt hàng thịt heo, những ngày cao điểm cận Tết, giá heo hơi tại trang trại tiếp tục duy trì ổn định 49.000 – 55.000 đồng/kg; giá heo mảnh tại chợ đầu mối tăng nhẹ 2.000 – 5.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại chợ truyền thống tăng 4.000 – 8.000 đồng/kg. Riêng giá thịt heo tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn ổn định, đồng thời tại hệ thống siêu thị Coopmart và hệ thống bán lẻ của Công ty Vissan, Sagrifood đã chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá từ 10%-20%. Thậm chí ngày 29 Tết, chợ đầu mối Hóc Môn còn rơi vào cảnh “dội chợ”, giá thịt heo mảnh và thịt đùi, cốt-lết chỉ xoay quanh mức 60.000 đồng/kg, không bù được chi phí giết mổ.
Ngày 7-2, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay hiện lượng heo về chợ đầu mối và khu vực lân cận từ 2.000 – 2.500 con/ngày. Tình hình tiêu thụ khá chậm, giá heo mảnh chênh lệch khá lớn giữa nhiều nạc và heo mỡ cũng như các thời điểm giao dịch khác nhau, từ 50.000 – 78.000 đồng/kg.
Người dân đi siêu thị đầu năm
Hoa tươi thắng lớn
Điểm chú ý của thị trường Tết năm nay là hoa tươi tăng giá mạnh, đặc biệt là các loại hoa phổ biến như: vạn thọ, cúc, lay ơn, lily cận Tết giá cao gấp đôi bình thường. Do đó, vào sáng 29 tháng chạp và mùng 2 Tết, nhiều người đã vào siêu thị mua hoa vì giá vẫn giữ như niêm yết.
Theo Sở Công Thương TP HCM, từ kinh nghiệm của những năm trước, các địa phương cung ứng mặt hàng hoa lớn như Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp… đã có dự báo, khuyến nghị sớm về nhu cầu tiêu thụ hoa Tết Nhâm Dần và chuẩn bị chu đáo kế hoạch canh tác, cung ứng hoa Tết. Nhờ vậy, nguồn cung ứng hoa cho thị trường tương đối ổn định, không thừa, không thiếu. “Trên địa bàn không có hiện tượng ùn ứ hoa. Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, lượng hoa về TP giảm 20%-30% so với năm ngoái” – báo cáo của Sở Công Thương TP nêu rõ.
Chiều 7-2, Hội Nông dân TP HCM cho biết tình hình sản xuất – kinh doanh các loại hoa kiểng (hoa lan, mai, hoa nền, cây kiểng)… của hội viên, nông dân tương đối ổn định; nhu cầu tiêu thụ các loại hoa kiểng Tết tăng cao hơn Tết 2021 do lượng hoa kiểng từ các tỉnh, thành khu vực miền Tây Nam Bộ chuyển về TP HCM ít hơn.
Các cấp hội đã phối hợp tổ chức đường hoa mai vàng kết hợp trưng bày các sản phẩm nông nghiệp phục vụ Tết trên tuyến đường Vườn Thơm (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP HCM) và các điểm bán hoa kiểng trên địa bàn TP. Đồng thời triển khai thông tin và hỗ trợ hội viên nông dân đăng ký tham gia Hội Hoa xuân ở Công viên 23 Tháng 9; tham gia 1.409 gian hàng tại chợ hoa xuân TP Thủ Đức và các huyện, quận với sản phẩm chủ yếu là: hoa lan, mai, hoa nền các loại… Ước tính tổng doanh thu hoa, cây kiểng trong dịp Tết của nông dân TP HCM đạt gần 86 tỉ đồng.
Giá nhiều mặt hàng đã “hết Tết”
Báo cáo UBND TP HCM về công tác triển khai các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương cho hay các DN trên địa bàn TP đã chuẩn bị chu đáo nguồn hàng phục vụ Tết, đủ khả năng cân đối cung – cầu thị trường, không có hiện tượng khan hàng sốt giá bất hợp lý. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực.
Chợ truyền thống và hầu hết siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã khai trương bán hàng từ sáng mùng 2 Tết và đã chính thức trở lại hoạt động kinh doanh bình thường từ ngày mùng 6. Riêng một số hệ thống cửa hàng tiện lợi như Family Mart, GS25, Ministop… hoạt động xuyên suốt; các siêu thị AEON chỉ nghỉ Tết từ 19 giờ ngày 29 tháng chạp và khai trương trở lại từ 11 giờ mùng 1 Tết, hoạt động bình thường từ ngày mùng 2 Tết. Nhu cầu tiêu dùng đầu năm chủ yếu tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả, trái cây… nhưng sức mua thấp. Nhờ vậy, nhiều mặt hàng trở lại mức giá ngày thường sớm hơn những năm trước.
|
Phương An (theo NLĐ)