Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam vẫn yêu cầu xin thị thực đối với khách chính là rào cản khiến du lịch khó thu hút khách quốc tế, giảm tính cạnh tranh so với các quốc gia khác tại Đông Nam Á.
Rào cản nào với du khách quốc tế?
Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2022, Diễn đàn Du lịch Việt Nam 2022 với chủ đề “Phục hồi Du lịch Việt Nam – Định hướng mới, Hành động mới” ngày 1.4, mở ra nhiều cơ hội trao đổi, đề xuất giải pháp giữa cơ quan quản lý, sở ban ngành địa phương, các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành. Trong đó, vấn đề nổi cộm khi nhiều ý kiến chỉ ra rằng, việc Việt Nam khó thu hút du khách quốc tế là gặp một vài rào cản nhất định.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tại Đông Nam Á vẫn yêu cầu xin thị thực đối với khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn chỉ bằng 15 – 50% so với Thái Lan, Singapore hay Malaysia… Đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến du lịch Việt Nam khó thu hút khách du lịch quốc tế, sức cạnh tranh cũng bị giảm đáng kể so với các quốc gia khác láng giềng trong khu vực.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan được xem là “đối thủ” mạnh nhất của ngành Du lịch Việt Nam. Cụ thể, họ mở cửa du lịch từ tháng 7.2021, tức là đi trước Việt Nam 4 tháng kể từ thời điểm triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế (11.2021). Đặc biệt, Thái Lan cũng liên tục thay đổi các chính sách phù hợp nhằm thu hút khách, như việc giảm bảo hiểm hay mới nhất là việc mở cửa đón khách quốc tế mà không cần phải test COVID-19.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho biết, việc miễn thị thực nếu tăng lên từ 30-45 ngày sẽ làm tăng cơ hội hút khách du lịch đến Việt Nam. Càng kéo dài thời gian lưu trú của khách càng giúp du lịch thu được nhiều ngoại tệ tại chỗ. Đồng thời, cho phép khách được nhập cảnh nhiều lần trong một chuyến du lịch.
Cùng đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Khoa Luân – Giám đốc Cty Ảnh Việt Hop on – Hop off (điều hành xe buýt du lịch 2 tầng tại Hà Nội và TPHCM) cũng cho rằng, việc yêu cầu thị thực đối với khách du lịch quốc tế là vấn đề cần phải bàn thảo, cân nhắc kỹ lưỡng. Trong đó, du lịch Việt Nam cần điều chỉnh những điều khoản “bất hợp lý”, đồng thời sớm xây dựng phương án rõ ràng và công khai các thông tin xin cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.
Định hướng mới cho du lịch Việt Nam
Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng – cho hay, du lịch Đà Nẵng là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19. Sau một quãng dừng không đi du lịch cũng như việc tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, thị trường và tâm lý của du khách đã trở nên khó dự đoán. Vì vậy, việc tìm hiểu, nhận định lại xu hướng của du khách là quan trọng và cần thiết trong lộ trình phục hồi hoạt động du lịch.
Ông Phùng Quang Thắng – Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, GĐ Cty lữ hành Hanoitourist – đưa ra gợi ý, để tăng sức hút đối với du khách nội địa và quốc tế, các địa phương cần tập trung tìm kiếm và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng biệt theo từng vùng miền. Đặc biệt, cần đầu tư trong công tác quảng bá, truyền thông hiệu quả đến du khách quốc tế bằng cách tổ chức các đoàn famtrip, presstrip (khảo stas du lịch) dành cho đơn vị lữ hành, báo chí nước ngoài.
Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – khẳng định, để khôi phục và phát triển ngàng Du lịch hậu dịch bệnh, cần phải xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, những đề xuất có tính thực tiễn cao tập trung vào các định hướng mới, hành động mới về các chính sách, đầu tư, sản phẩm, thị trường, nguồn lực…
Theo Laodong.vn