Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các điểm nghẽn của chính sách bảo hiểm xã hội là rất cần thiết nhằm giúp thị trường bảo hiểm hấp hẫn hơn đối với người lao động và phát triển nhanh, bền vững hơn.
Theo số liệu thống kê, năm 2020, cả nước có 860.741 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 53.652 người so với năm 2019. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 11.868 người, tăng 51,55% so với năm 2019.
Từ năm 2018 đến nay, có gần 1,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, số người rời bỏ hệ thống hàng năm vẫn lớn hơn số tham gia mới.
Chỉ riêng từ năm ngoái đến nay, số người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã ít đi gần 1 triệu người. Phần lớn những người dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đều rút bảo hiểm xã hội một lần chứ không tham gia tiếp.
Đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, hết ngày 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 16,2 triệu người, chỉ bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Năm 2020 có hơn 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, với tổng số tiền thu bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 đạt gần 4 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,3 triệu người, giảm hơn 54,4 nghìn người (tương ứng 0,4%) so với năm 2019. Số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp khoảng gần 18,7 tỷ đồng, tăng 1.254 tỷ đồng (tương ứng 7,2%) so với năm 2019.
Theo nhiều chuyên gia, đây là một thách thức thực sự đối với an sinh xã hội trong những năm tới khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa. Đa phần người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi (chiếm 80,9%).
Thực tế, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần không phải là mới, nhưng năm nay số lượng người rút gia tăng do dịch bệnh. Những con số này phản ánh một thực tế đời sống, thu nhập của người lao động đang gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài.
Mặt khác, điều này cũng cho thấy bảo hiểm xã hội vẫn chưa thực sự hấp dẫn người lao động. Tại buổi thảo luận trực tuyến của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu thực tế của người lao động.
Với tốc độ, tình hình phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và thực tế đời sống, thu nhập khó khăn như hiện nay, dự báo có thể số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Chính phủ cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định nhằm giảm số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Bá Chi