Tổng giá trị thanh toán điện tử liên ngân hàng năm 2018 đạt trên 73 triệu tỷ đồng, tăng hơn 25% so với năm 2017. Việt Nam nằm trong nhóm thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới về thanh toán di động, theo khảo sát của hãng kiểm toán PwC.
Phát biểu tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” tổ chức sáng 11/6, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng năm ngoái xử lý hơn 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP. Bình quân mỗi ngày có hơn nửa triệu giao dịch thực hiện thành công với giá trị khoảng 289.000 tỷ đồng, tương đương 13 tỷ USD.
Việt Nam nằm trong nhóm thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới về thanh toán di động, theo khảo sát của hãng kiểm toán PwC. Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng xấp xỉ 170% so với năm trước.
“Tỷ lệ thanh toán điện tử và di động không ngừng tăng, nhưng thực tế tiền mặt vẫn được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch nhỏ lẻ. Chính phủ rất muốn đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt bởi sẽ thu hẹp được hoạt động kinh tế ngầm, mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính – ngân hàng tới người dân. Người tiêu dùng nhờ đó sẽ hưởng các tiện ích như tiết kiệm thời gian, chi phí, an toàn. Đơn vị bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ cũng giảm thiểu rủi ro cho việc bảo quản, luân chuyển và xử lý tiền mặt”, ông Dũng phân tích.
Nhấn mạnh lợi ích của thanh toán không tiền mặt, Phó thủ tướng cho rằng “sẽ có rất nhiều thứ khác” được ghi nhận nếu tiến tới xã hội không tiền mặt. Cụ thể như giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy nền tài chính minh bạch, cải thiện hiệu quả hoạt động mảng phi tín dụng của ngân hàng…
“Đến giờ người dân còn phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí cho con thì rõ là quá bất tiện”, Phó thủ tướng lấy ví dụ và cho biết Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải triển khai việc nộp học phí, tiền nước… không dùng tiền mặt ngay năm nay.
Phó thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp các bộ ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán, cùng Bộ Thông tin và truyền thông sớm báo cáo Chính phủ phương án sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán nhanh cho các dịch vụ có giá trị nhỏ như mobile money.
“Thà có lệ phí thấp mà được nhiều người dùng. Đừng nghĩ tới lợi nhuận ngay từ đầu khi làm. Lợi nhuận sẽ tới với cấp số nhân nếu làm nghiêm túc”, ông Huệ nhắn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán.
Trong giai đoạn đầu của đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam 2016-2020, các ngân hàng trong nước đã triển khai nhiều dịch vụ trên nền tảng công nghệ như xác thực sinh trắc học, ứng dụng mã QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán chip tiếp xúc và phi tiếp xúc…
Không riêng các ngân hàng, nhiều đơn vị hành chính công như thuế, hải quan, bệnh viện cũng đang hướng đến việc thu ngân sách bằng hệ thống điện tử. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến cuối năm ngoái cho thấy, có 50 ngân hàng phối hợp thu phí hải quan và 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
“Dữ liệu tự động hóa tờ khai hải quan với ngân hàng ít sai sót nhưng cũng có hạn chế nhất định, hơn nữa còn khoảng 9% doanh nghiệp trực tiếp đến kho bạc nộp tiền nên công tác thu ngân sách chưa thể hoàn thiện trong sớm chiều”, ông Đinh Ngọc Thắng – Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM nói.
Ngoài yếu tố thói quen, các ngân hàng đều thừa nhận quá trình vận động người dân chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt còn nhiều thách thức do yếu tố rủi ro về bảo mật, an toàn dữ liệu và kết nối chưa chặt chẽ giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.
Theo VNE