Dưới tác động của mưa lũ khiến những tòa tháp cao trong thành phố hàng trăm năm tuổi này có nguy cơ sụp đổ.
Shibam vốn là thành phố cổ xưa của Yemen, đồng thời là một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới, được xây dựng và quy hoạch theo chiều thẳng đứng.
Thành phố cổ xưa nhất thế giới xây bằng gạch bùn có nguy cơ sụp đổ vĩnh viễn
Được xây dựng từ thế kỷ thứ 16, Shibam gồm những tòa nhà chọc trời xây bằng gạch bùn, nổi lên sừng sững giữa sa mạc. Đây cũng là biểu tượng về khả năng thích nghi của con người trước sự khắc nghiệt nhất của môi trường.
Ở vùng sa mạc khô cằn này, những vật liệu như gỗ đá lại rất hiếm, bù lại cát, đất sét và bùn lại rất sẵn. Để sinh tồn, người xưa ở vùng sa mạc đã sáng tạo để xây nên nơi ở an toàn bằng vật liệu có sẵn.
Vào năm 1930, khi nhà thám hiểm người Anh Freya Stark có chuyến đi xuyên qua phía nam cao nguyên Ả Rập và phát hiện ra nơi này, ông đã gọi Shibam là “Manhattan giữa sa mạc”, với ngụ ý so sánh những tòa nhà cao tầng ở đây như khu Manhattan của nước Mỹ – nơi vốn sở hữu nhiều tòa cao ốc chọc trời.
Tuy nhiên nơi này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và hư hỏng nặng vì mưa lũ. Trước đó, nhiều công trình bị ảnh hưởng nặng và tàn phá do các cuộc nội chiến xảy ra tại Yemen.
Thành phố xuất hiện từ thế kỷ 16
Trong đợt lũ xảy ra gần đây, ít nhất 4 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn, 15 tòa bị hư hại. Những bức tường bằng gạch bùn cũng đổ nát. Theo ông Hassan Aidid, người đứng đầu tổ chức bảo tồn các thành phố lịch sử tại Yemen, hiện cư dân ở thành phố cũng không thể tự tu sửa do chiến tranh và đời sống khó khăn.
Dù Shibam đang được chính phủ và quốc tế công nhận, không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những xung đột nội chiến, nhưng nó vẫn không thoát khỏi chiến tranh.
“Thành phố như bị thảm họa tấn công. Những bức tường gạch bùn đổ nát dần”, ông Aidid cho biết.
Năm 1982, UNESCO đã đưa Shibam vào danh sách các Di sản. Tuy nhiên, tới năm 2015, nơi này tiếp tục được đưa vào danh sách “Những Di sản Thế giới đang bị đe dọa”.
Ông Aidid cho biết, hiện có một kế hoạch ứng phó khẩn cấp với sự hỗ trợ từ UNESCO đang được tiến hành. Khoảng 40 tòa nhà dự kiến sẽ được trùng tu với chi phí 194.000 USD. Các nhà tài trợ tư nhân cũng đề nghị giúp đỡ, trong đó, một doanh nhân đến từ Ả Rập Saudi đã quyên góp khoảng 54.000 USD.
Huy Hoàng (theo dantri)