Nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để phát triển lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến, hợp tác xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến với du khách trong – ngoài nước, Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên diễn ra sáng 5/4 trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2024.
Tại hội nghị, Thái Nguyên đã giới thiệu một số chương trình tour du lịch kích cầu kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với Thái Nguyên và một số tỉnh, thành lân cận thuộc khu vực Đông Bắc; đồng thời các Hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành cũng trao đổi, đóng góp ý kiến để du lịch Thái Nguyên phát huy thế mạnh, tiềm năng thu hút du khách trong thời gian tới. Cũng tại Hội nghị diễn ra Ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên với Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Ngọc Tuân – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên- cho biết: Thái Nguyên hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ mà còn bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Với những thế mạnh, đặc trưng riêng, năm 2023, tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt trên 2.498 nghìn lượt khách, tăng 14,79% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt trên 20 lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 2.144,5 tỷ đồng. Tính riêng quý I/2024 số lượt khách du lịch đạt trên 1,1 triệu lượt khách.
Theo ông Tuân, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, độc đáo cùng với các giá trị văn hoá đặc sắc hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một hành trình trải nghiệm trọn vẹn với đầy đủ sắc màu về vùng đất và con người Thái Nguyên.
Với vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50 km; Thái Nguyên có đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông kết nối với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước. Đường quốc lộ 3 kết nối Hà Nội- Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng; Quốc lộ 1B kết nối Thái Nguyên – Lạng Sơn; Quốc lộ 37 kết nối Bắc Giang – Thái Nguyên – Tuyên Quang. Đặc biệt, tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên được kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng, như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18 để đi các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú. Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích, 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Đây là nguồn tài nguyên giá trị để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái…
Mỹ Thanh