Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia sớm triển khai các biện pháp mở cửa, tạo cơ hội cho ngành hàng không từng bước khôi phục, mở rộng đường bay quốc tế
Khôi phục mạng bay quốc tế
Hôm 15-6, Vietnam Airlines khai trương các đường bay mới giữa Hà Nội, TP HCM và Delhi (Ấn Độ). Cũng trong tháng 6 này, Vietnam Airlines đã khai trương đường bay mới giữa Nha Trang – Singapore, nối lại đường bay Hà Nội – Busan (Hàn Quốc). Dự kiến từ ngày 22-6, Vietnam Airlines chính thức khai thác trở lại nhà ga Terminal 4 – sân bay quốc tế London Heathrow (Anh) và tăng chuyến bay giữa Anh – Việt Nam lên 3 chuyến mỗi tuần từ ngày 5-7.
Như vậy, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ như trước đại dịch Covid-19, bên cạnh mở thêm những đường bay mới, gồm: Anh, Pháp, Đức, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan – Trung Quốc, Hồng Kông – Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia, Ấn Độ. Đầu tháng 7 tới, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay Indonesia.
Hành khách trên đường bay mới khai trương kết nối Singapore – Nha Trang. Ảnh: Minh Châu
Trước đó, ngày 30-4, hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng đã khai thác trở lại đường bay đến Delhi (Ấn Độ) sau hơn 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19. Trong tháng 6-2022, hãng hàng không giá rẻ này còn khai trương 2 đường bay thẳng kết nối TP HCM và Hà Nội đến Mumbai – trung tâm kinh tế, tài chính của Ấn Độ và dự kiến khai trương đường bay Phú Quốc – Mumbai thời gian tới. Hãng này cũng mở lại đường bay kết nối TP HCM với Phuket (Thái Lan)…
Bamboo Airways không bỏ qua cơ hội hồi phục khi khai trương đường bay thẳng thứ 2 của hãng đến Đức, kết nối TP HCM và Frankfurt, vào ngày 16-6 vừa qua. Hãng này đang nỗ lực tăng tốc mở rộng mạng bay quốc tế nói chung và các đường bay kết nối với các nước châu Âu nói riêng.
Trước dịch Covid-19, thị trường quốc tế mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam. Năm nay, mục tiêu của Bamboo Airways là mở rộng quy mô mạng bay lên 120 đường, trong đó có 40 đường bay quốc tế.
Trong khi đó, Vietnam Airlines đặt kế hoạch đến tháng 11-2022 sẽ khôi phục tần suất các đường bay quốc tế trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… tương đương năm 2019; tiếp tục hoàn thiện tần suất đường bay châu Âu. Dự kiến đến tháng 11-2023, toàn bộ mạng bay quốc tế của Vietnam Airlines sẽ được khôi phục như năm 2019.
Nắm bắt cơ hội
Hiện nay, bay quốc tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi không ít quốc gia, vùng lãnh thổ duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau, giá nhiên liệu tăng cao liên tục, xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng đến các đường bay châu Âu… Tuy vậy, các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn đường bay đến các thị trường truyền thống.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đánh giá nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nên Việt Nam thích ứng một cách an toàn, hiệu quả với đại dịch Covid-19, có triển vọng rất tốt trong phục hồi và phát triển sau dịch. Cùng với đó, những đánh giá tích cực của quốc tế về sự ổn định môi trường chính trị – xã hội, phòng chống dịch bệnh cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn với khách nước ngoài, là nơi hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư – kinh doanh. Với các yếu tố vĩ mô thuận lợi, ngành hàng không có nhiều cơ hội để bứt phá sau đại dịch.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia sớm triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để kích cầu du lịch. Cụ thể, mở hoàn toàn các đường bay quốc tế đến Việt Nam từ ngày 15-3 và dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với người nhập cảnh nước ta từ ngày 15-5. Ngoài ra, việc có trên 50 quốc gia đã triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh là yếu tố khách quan và là cơ sở thuận lợi để Việt Nam triển khai chính sách mở cửa, thu hút khách quốc tế.
Ở thời điểm này, khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ còn chưa mở cửa, trong đó một số quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan – Trung Quốc… vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế nhập cảnh, ưu thế sẽ thuộc về những điểm đến mở cửa sớm.
“Việt Nam đã khôi phục chính sách thị thực nhập cảnh, miễn visa cho công dân 13 nước, bao gồm cả các nước Tây Âu, giúp thu hút lượng khách du lịch từ các nước này. Gần đây, ngành hàng không còn ghi nhận sự tăng trưởng khách quốc tế từ một số thị trường khá mới như Mông Cổ, Uzbekistan… Bên cạnh đó, nhà chức trách hàng không Trung Quốc cũng đã đồng ý tăng chuyến bay giữa 2 nước. Những tín hiệu này cho thấy các hãng bay có cơ hội khôi phục từng bước, tiến tới khôi phục toàn bộ và phát triển các hoạt động khai thác quốc tế” – Cục trưởng Đinh Việt Thắng đánh giá.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho biết ngành du lịch, hàng không đang chờ đợi một số quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường quan trọng của Việt Nam nới lỏng các quy định nhập cảnh để lượng khách 2 chiều tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, dự kiến Hàn Quốc sẽ nới lỏng quy định phòng dịch khi nhập cảnh vào ngày 1-7 tới.
Kỳ vọng vào thị trường châu Á
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông Vietnam Airlines, nhìn nhận các thị trường ở khu vực Đông Nam Á cơ bản đã mở cửa nên hoạt động bay đang phục hồi nhanh chóng. Ở khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc có tín hiệu phục hồi rất tốt; Nhật Bản, Đài Loan – Trung Quốc đang có những chính sách mở cửa thông thoáng hơn, được kỳ vọng cũng sẽ phục hồi nhanh. Đối với các điểm đến ở châu Âu, mức độ phục hồi sẽ chậm hơn do đường bay dài, giá nhiên liệu cao, chi phí máy bay thân rộng lớn cùng hàng loạt vấn đề về lạm phát, chi tiêu tại đây. |
Theo Dương Ngọc/NLĐO