Năm 2022, thành phố sẽ hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thủ tục hành chính làm khó doanh nghiệp
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, khó khăn, vướng mắc hiện nay chủ yếu liên quan đến các quy định, thủ tục pháp lý. Đây là rào cản khiến DN gặp khó trong cải thiện môi trường đầu tư, phát triển.
Ông Hứa Quốc Hưng – Trưởng ban Ban Quản lý KCX-KCN TP.HCM – kiến nghị Thường trực UBND TP sớm giải quyết phân cấp, ủy quyền để ban phục vụ các DN được tốt nhất; bởi các bộ ngành đã có văn bản hướng dẫn việc này theo từng lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực môi trường.
“Từ khi Ban Quản lý KCX-KCN TP.HCM thành lập (năm 1992) đã thực hiện các cơ chế mở tại chỗ với tất cả đầu mối tập trung tại ban như cấp phép đầu tư, xây dựng, lao động, môi trường… Nhưng từ năm 2017, khi các văn bản quy phạm pháp luật ra đời, dần dần các thủ tục này không còn ở ban quản lý, các DN phải liên hệ ở nhiều nơi như sở ngành, UBND quận huyện”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, năm 2022, Ban Quản lý KCX-KCN TP đã đề ra nhiều nội dung trọng tâm để hỗ trợ DN và thực hiện nhiệm vụ quản lý. Trong đó, tập trung tham mưu TP thành lập một KCN rộng hơn 600 héc ta và 90 héc ta xây dựng khu dân cư liền kề dành cho công nhân.
Từ năm 2010-2015, TP vẫn dẫn đầu trong nhóm các tỉnh thành phía Nam về KCN, đất công nghiệp, các chỉ số công nghiệp. Đây chính là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, các chỉ số thu hút đầu tư bắt đầu vượt TP.
“Từ năm 2016 trở lại đây, quỹ đất công nghiệp ngày càng hạn chế. Hiện trong khu còn khoảng 300 héc ta đất có thể cho thuê, trong khi quy hoạch của TP có 5.800 héc ta đất công nghiệp. Nhìn qua tỉnh Bình Dương có 18.000 héc ta, với 32 khu; Tây Ninh có 11.000 héc ta với 5 khu…”, ông Hưng nói và cho rằng, TP đang có sẵn nhiều quỹ đất sạch nhưng vướng pháp lý nên chưa sử dụng được, điều này gây ra sự lãng phí lớn.
“Sắp tới TP cần quan tâm tháo gỡ để có được quỹ đất công nghiệp, tạo nguồn thu hút đầu tư phát triển TP”, ông Hưng kiến nghị.
Cũng theo ông Hưng, năm 2022 Ban Quản lý KCX-KCN sẽ tập trung tham mưu việc chuyển đổi dần các KCX-KCN không còn phù hợp trong giai đoạn sắp tới, đòi hỏi cần có sự phối hợp giữa các sở ngành, UBND quận/huyện, TP.Thủ Đức trong kế hoạch tổng thể chung của TP.
Nói về cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN, ông Nguyễn Tương Minh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ quan nước ngoài TP.HCM – kiến nghị TP dành nhiều hơn thời gian đến làm việc trực tiếp tại các DN. Qua 6 năm công tác tại đơn vị nhưng ông Minh chưa lần nào thấy lãnh đạo TP tới làm việc với công ty, trong khi đó công ty có nhiều kiến nghị cần giải quyết. Trong hoạt động kinh doanh, DN gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các đề xuất, kiến nghị đưa ra đều chậm giải quyết. Có những kiến nghị không giải quyết kịp thời đã khiến DN mất cơ hội đầu tư. TP cần hướng dẫn cụ thể về các kiến nghị vượt thẩm quyền. Có những kiến nghị DN gửi lên, các sở ngành đều trả lời nhưng căn cứ quy định lại đề nghị công ty làm đúng quy định. Nếu cứ yêu cầu làm đúng quy định thì các kiến nghị của DN sẽ mãi không giải quyết được…
Chính quyền sẽ tích cực đối thoại với doanh nghiệp
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 cho TP.HCM. Xác định chủ đề năm là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, TP xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội với 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) đạt 6%-6,5%.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, để thực hiện thắng lợi chủ đề, mục tiêu của năm 2022, chính quyền TP sẽ quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết gắn với phương châm hành động của Chính phủ, kết luận của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND TP về nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2022, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất 19 chỉ tiêu đề ra.
Ông nhìn nhận công tác vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021 có thể đạt được mức tăng trưởng năm 2022 từ 6%-6,5% và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm đối với kinh tế TP. Song việc đặt chỉ tiêu GRDP tăng trưởng này thể hiện quyết tâm cao của TP, lãnh đạo TP; đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu của năm trên cơ sở những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị; cùng với những giải pháp đã triển khai trong năm 2021 sẽ phát huy tác dụng trong năm 2022 và cả giai đoạn 2022-2025.
Theo Kế hoạch Tổ chức thực hiện chủ đề năm 2022 của UBND TP, TP sẽ tập trung thực hiện 5 nội dung. Trong đó, TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế.
TP sẽ tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư, trên tất cả các phương diện cơ chế, thủ tục hành chính, chính sách thuế… góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN, nhất là DN nhỏ và vừa.
Tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN; xây dựng và triển khai kế hoạch cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các tiêu chí còn hạn chế, phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trong xếp hạng chỉ số PCI năm 2022.
Trong xu thế đó, TP tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tổ chức, DN và người dân tốt hơn; tăng tỷ lệ và nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Đồng thời sẽ xây dựng và ban hành Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương nhằm giúp các sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện đổi mới công tác lập kế hoạch, giám sát triển khai, tăng cường đối thoại DN. Qua đó chủ động tiếp cận và hỗ trợ giải quyết các tồn tại, thách thức về thể chế, khung pháp lý, môi trường khởi nghiệp, kinh doanh cũng như những khó khăn vướng mắc cụ thể của DN…
Theo GDTPO