Sáng ngày 12/12, tại TP.HCM, TÜV Rheinland Việt Nam và Crif D&B cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Hiểu và triển khai đánh giá ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và CBAM cho các thực hành kinh doanh bền vững”.
Chương trình với mong muốn mang đến cho doanh nghiệp các thông tin về xu hướng và quy định toàn cầu về quản lý và thực hành phát triển bền vững cũng như cập nhật kiến thức, hiểu rõ cách thức áp dụng các khung tiêu chuẩn này và tạo ra những tác động hiệu quả đối với hành trình phát triển bền vững.
ESG hiện được xem là mối quan tâm hàng đầu của Ban lãnh đạo doanh nghiệp
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên, doanh nghiệp trên toàn thế giới đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc áp dụng các phương pháp bền vững. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã ban hành các quy định nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu phát thải carbon và bảo vệ môi trường. Trong đó, các nguyên tắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cùng với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nổi lên như những công cụ quan trọng để giải quyết các tác động môi trường và thúc đẩy trách nhiệm doanh nghiệp.
Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đã trở thành xu hướng chủ đạo và được công nhận rộng rãi là một phần thiết yếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ESG hiện được xem là mối quan tâm hàng đầu của Ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Khi thực hành đúng, ESG sẽ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn nổi cộm nhất ở thời điểm hiện tại và nắm bắt cơ hội tốt nhất trong tương lai. Tuy nhiên, với phạm vi bao quát rộng, ESG sẽ mang ý nghĩa khác nhau tại mỗi tổ chức. Vì vậy, để nhìn nhận đầy đủ tiềm năng mà ESG đem lại, cần gắn khái niệm này với chiến lược của tổ chức, từ đó cải tiến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam 60% doanh nghiệp có cơ cấu quản trị ESG không chính thức hoặc hoàn toàn không có cơ cấu quản trị ESG. Theo Báo cáo PWC về ESG năm 2022, 61% các công ty chưa đặt cam kết ESG cho rằng thiếu kiến thức là rào cản chính, không đủ tài chính chiếm 48%, quy mô công ty chiếm 46%, dữ liệu ESG thiếu minh bạch chiếm 28%. Theo số liệu này thì do các công ty không trang bị kiến thức chiếm phần lớn. Do vậy, các doanh nghiệp muốn duy trì khả năng cạnh tranh tại các thị trường này phải hiểu rõ về ESG và thực hành ESG.
Dưới áp lực từ các quy định, khách hàng và nhà đầu tư, các công ty Việt Nam, đặc biệt là các công ty hoạt động trên thị trường quốc tế, phải nâng cao các tiêu chuẩn bền vững của mình. Đặc biệt, vòng quy định có hiệu lực vào năm 2024-2026 (từ Liên minh Châu Âu cũng như các nền kinh tế phát triển lớn) sẽ mang lại tác động mạnh mẽ đến các nhà cung cấp trên toàn cầu. Do đó, con đường dẫn đến sự bền vững là một lựa chọn để doanh nghiệp không bị bỏ lại phía sau.
CBAM đảm bảo giá carbon của hàng nhập khẩu tương đương với giá carbon của sản xuất trong nước
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU là công cụ của EU nhằm định giá công bằng lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các mặt hàng có hàm lượng carbon cao nhập khẩu vào EU và khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn ở các quốc gia ngoài EU. Mục tiêu của CBAM là ngăn chặn rò rỉ carbon để đảm bảo hiệu quả của chính sách khí hậu EU và cạnh tranh công bằng giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu; Bổ sung và củng cố EU ETS (Hệ thống Giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu); Góp phần vào quá trình phi carbon hóa trên toàn cầu và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Bằng cách xác nhận rằng giá đã được trả cho lượng khí thải carbon được tạo ra trong quá trình sản xuất một số hàng hóa nhập khẩu vào EU, CBAM sẽ đảm bảo giá carbon của hàng nhập khẩu tương đương với giá carbon của sản xuất trong nước và các mục tiêu về khí hậu của EU không bị phá hoại. CBAM được thiết kế để tương thích với các quy tắc của WTO.
CBAM sẽ được áp dụng theo chế độ chính thức từ năm 2026, trong khi giai đoạn chuyển tiếp hiện tại kéo dài từ năm 2023 đến năm 2025. Việc áp dụng CBAM dần dần này phù hợp với việc loại bỏ dần việc phân bổ hạn ngạch miễn phí theo Hệ thống giao dịch phát thải của EU (ETS) để hỗ trợ quá trình khử cacbon cho ngành công nghiệp EU.
Việc hiểu rõ và áp dụng ESG và CBAM không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực bao gồm giảm thiểu tác động môi trường, tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững sẽ có lợi thế cạnh tranh, nâng cao uy tín thương hiệu và xây dựng lòng tin vững chắc từ khách hàng và các bên liên quan.
Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, doanh nghiệp cũng sẽ được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng nền tảng Synesgy, một giải pháp công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức cải thiện các thực hành bền vững trong chuỗi cung ứng của mình.
Nền tảng này được thiết kế phù hợp cho cả các tập đoàn lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và hiện đã có mặt tại hơn 90 quốc gia. Synesgy cung cấp các tính năng chính như sau:
- Công cụ tự đánh giá: Nền tảng tích hợp bảng câu hỏi tự đánh giá ESG, được tùy chỉnh cho 35 ngành công nghiệp khác nhau, giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ bền vững của mình. Đối với SME, Synesgy cung cấp phiên bản bảng câu hỏi đơn giản hóa.
- Giám sát chuỗi cung ứng: Synesgy cho phép doanh nghiệp đánh giá và giám sát tính bền vững của chuỗi cung ứng thông qua việc theo dõi liên tục, các đánh giá định kỳ và bảng tổng hợp chi tiết. Điều này đảm bảo tính minh bạch và giúp các nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn ESG quốc tế.
- Chứng nhận và điểm ESG: Sau khi hoàn thành đánh giá, doanh nghiệp sẽ nhận được điểm ESG và chứng nhận quốc tế được công nhận, có thể đăng tải trên trang website của doanh nghiệp. Chứng nhận này tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu như SDG, GRI và ESRS, và có giá trị trong vòng một năm.
- Tính toán phát thải CO2: Nền tảng tích hợp công cụ tính toán CO2 giúp doanh nghiệp đo lường và quản lý lượng khí thải nhà kính của mình.
- Kế hoạch hành động tùy chỉnh: Dựa trên kết quả tự đánh giá, Synesgy cung cấp lộ trình hành động tùy chỉnh, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững.
Synesgy cho phép các công ty và đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện tự đánh giá về mức độ bền vững của họ, xác định các điểm mạnh và lợi nhuận cần cải thiện, để hành động và từ đó bắt đầu lộ trình chuyển đổi bền vững.
Buổi hội thảo mang đến cho doanh nghiệp các thông tin về xu hướng và quy định toàn cầu về quản lý và thực hành phát triển bền vững cũng như cập nhật kiến thức, hiểu rõ cách thức áp dụng các khung tiêu chuẩn này và tạo ra những tác động hiệu quả đối với hành trình phát triển bền vững. Với nền tảng Synesgy, doanh nghiệp có thể tự đánh giá, giám sát chuỗi cung ứng và lập kế hoạch phù hợp cho các hoạt động nhằm đồng thời đạt được các mục tiêu về quảng bá, tiếp cận thị trường song song với phát triển bền vững.
Toàn cảnh chương trình Hội thảo sáng ngày 12/12 tại TP.HCM
Thông tin thêm:
TÜV Rheinland Việt Nam
Được thành lập và hoạt động hơn 150 năm, TÜVRheinland đại diện cho sự an toàn và chất lượng ở hầu hết mọi lĩnh vực kinh doanh và đời sống. Là nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận hàng đầu thế giới, TÜV Rheinland có hơn 22.000 nhân viên tại hơn 50 quốc gia.
TÜV Rheinland cung cấp các dịch vụ toàn diện về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) nhằm giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, giảm thiểu tác động môi trường và tạo lợi thế cạnh tranh thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững.
Crif D&B
Là thành viên của Tập đoàn Crif toàn cầu, Crif D&B Việt Nam cung cấp thông tin kinh tế chính xác, giải pháp chấm điểm tín dụng và công nghệ tiên tiến, hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định hiệu quả.
Bên cạnh đó, chúng tôi cung cấp các giải pháp ESG và hỗ trợ triển khai CBAM, giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả bền vững, quản lý chuỗi cung ứng và đảm bảo tuân thủ các quy định quốc tế. Với công cụ đánh giá và chứng nhận ESG toàn diện, Crif D&B Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh và uy tín thương hiệu.
Văn Hảo