Sau một thời gian “nóng sốt”, làn sóng sưu tập manga (truyện tranh Nhật Bản) phiên bản đặc biệt đang dần giảm bớt, chuyển sang vật phẩm tặng kèm. Làn sóng này cũng đã tràn sang phim ảnh.
Phiên bản đặc biệt giảm nhiệt
Hơn 1 năm trước, khi Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng cho ra mắt phiên bản giới hạn của bộ Chú thuật hồi chiến (gồm những đặc điểm như có thêm trang màu, chất lượng giấy in vượt trội, có bảo vệ sách tặng kèm…), nhiều độc giả đã cố công để có được những ấn bản này. Kết quả: 10.000 bản in (gấp 10 lần sách chữ thông thường) vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.
Thẻ tặng kèm cho khán giả khi xem phim Thám tử lừng danh Conan: Tàu ngầm sắt màu đen
Có tình trạng trên bởi không chỉ những người yêu thích truyện tranh mua để sưu tập, nhóm “đầu nậu manga” – những người thu mua với số lượng lớn để bán lại kiếm lời – cũng tham gia cuộc chơi. Khó khăn trong việc tìm kiếm, sở hữu khiến không ít người đã phải từ bỏ ước mơ sưu tập trọn bộ.
Suốt 1 năm qua, các công ty sách và NXB liên tục ra mắt phiên bản đặc biệt cũng như giới hạn. Chẳng hạn Chú thuật hồi chiến tuy được phát hành 1 tháng 1 tập, nhưng xen kẽ với bộ truyện này, các bộ khác như Tokyo Revengers, Monster #8, Mỹ vị hầm ngục, Slam Dunk… cũng ra mắt gần như đồng thời. Để theo hầu hết bộ truyện là tương đối khó. Điều này còn chưa kể đến thời gian, công sức… cần phải bỏ ra để camping (xếp hàng đặt chỗ), trao đổi, giao dịch…
Độc giả giờ thôi mặn mà với hình thức này, vì cho đến cùng, nội dung của các phiên bản vẫn sẽ giống nhau. Mua các tập thông thường, với giá bán rẻ hơn, số lượng in nhiều hơn, cũng đã là đủ. Khi nguồn “cầu” không còn quá nhiều, nhóm đầu cơ cũng không còn mặn mà và thị trường sách phiên bản đặc biệt đã bình ổn trở lại.
Dù vậy, một xu hướng khác đang nổi lên với người hâm mộ truyện tranh là sưu tập vật phẩm đi theo bộ truyện, như poster, bìa áo, thẻ bo góc hay lịch phát hành… Những quà tặng này cũng chính là điều thu hút độc giả đến với những festival truyện tranh, nơi các công ty sách và NXB thường giới thiệu phiên bản độc nhất được in riêng cho sự kiện mà không có trên thị trường hay được phát hành phổ thông. Sau các sự kiện, vật phẩm nhượng lại thường có giá cao, bởi không phải độc giả nào cũng có thể dự sự kiện trực tiếp.
Kích cầu kiểu mới
Làn sóng yêu thích, sưu tập vật phẩm truyện tranh ngày càng bùng nổ. Không chỉ đi kèm với việc xuất bản, xu hướng này cũng đang len lỏi vào các tác phẩm phái sinh khác, như trong những ngày gần đây là tích hợp vào việc bán vé các phim anime (phim hoạt hình của Nhật Bản được chuyển thể từ các tác phẩm truyện tranh Manga) ra rạp, từ đó tăng thêm sức bán cho các bộ phim.
Thẻ tặng kèm khi xem Slam Dunk được các nhà phát hành tung ra như phương án kích cầu
Điển hình của xu hướng này có thể kể đến tác phẩm One Piece: Red vào cuối năm ngoái, khi CGV tiến hành chiến dịch xem phim tặng thẻ bo góc. Theo đó, số lượng thẻ sẽ được phân bổ dựa theo hạng ghế, thứ hạng thành viên cũng như combo mua kèm bắp nước khi xem phim… Thẻ hình càng hiếm thì sẽ càng dành cho các ghế ngồi có mức chi trả nhiều hơn.
Hiện các nhà phát hành đã thu gọn cách biệt, mang đến trải nghiệm hợp lý hơn. Giờ đây, chỉ cần mua vé ở những rạp phim chỉ định, khán giả đều có khả năng sở hữu thẻ hình. Điều này giúp tăng doanh số cho các bộ phim. Chẳng hạn Slam Dunk – Cú úp rổ đầu tiên – chuyển thể dựa trên bộ truyện cùng tên – đã thu gần 7,7 tỉ đồng tại Việt Nam chỉ sau 1 tháng rưỡi ra rạp.
Mới đây nhất, Thám tử lừng danh Conan: Tàu ngầm sắt màu đen cũng dùng phương thức tiếp thị tương tự, đạt doanh thu trong tuần đầu trình chiếu xấp xỉ 1,9 tỉ đồng, với 25.000 vé bán ra và hơn 3.200 suất chiếu. Tác phẩm cũng vượt trội bom tấn Nhiệm vụ: Bất khả thi – Nghiệp báo phần 1 của Hollywood ra mắt trước đó vài tuần, khi doanh thu gấp gần 4 lần, còn số vé bán ra đã hơn 8 lần.
Không chỉ Việt Nam, các phim này cũng đạt được những thành tích tương tự ở thị trường nước ngoài. Trong hơn 4 tháng ra mắt tại Nhật, Slam Dunk – Cú úp rổ đầu tiên liên tục nằm trong top 10 bộ phim đạt doanh thu cao nhất phòng vé và có thời gian “xô đổ” cả bom tấn Avatar: Dòng chảy của nước của đạo diễn James Cameron. Thành công lớn này khiến truyền thông thế giới phải nhìn lại và đặt câu hỏi về hướng phát hành của anime.
Một trong những nguyên nhân dễ thấy là sự cuốn hút của các thương hiệu. Slam Dunk hay Conan đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc, dẫn đến khán giả đến xem cũng như trải nghiệm có sự phong phú nhất định. Bên cạnh đó, quà tặng kèm – những thẻ bo góc mà nếu không xem phim thì không thể có, vì chúng không được bán riêng hay đi kèm sách – cũng chứng tỏ được sức hút của mình.
Trong các hội nhóm yêu thích manga trên mạng xã hội, chi phí cho việc trao đổi hay nhượng lại vật phẩm cũng đang nóng lên từng ngày. Tuy khán giả nào xem phim cũng được nhận thẻ, song do được phát ngẫu nhiên, dẫn đến nhiều khi không đúng nhân vật khán giả yêu thích. Để sở hữu đủ các thẻ, khán giả có thể sẽ phải chi tiền nhiều hơn, góp phần gia tăng doanh số cho phim, dù tỉ lệ lấp đầy rạp có thể tương đối thấp.
Rõ ràng, thành công của manga hay anime Nhật Bản ở các thị trường trên thế giới có nhiều lý do, mà một trong số đó là việc thấu hiểu được nhu cầu độc giả cũng như đánh vào sự yêu thích sưu tầm của họ. Đây cũng chính là bài học hay cho các nhà làm phim muốn thúc đẩy doanh số, thắng lớn ở rạp.
Theo Ngô Minh/PNO