Từ năm 2020, thẻ bảo hiểm y tế điện tử (BHYTĐT) sẽ được đưa vào sử dụng, thay thế cho thẻ BHYT giấy như hiện nay. Điều này sẽ giúp người bệnh bớt phải phiền hà vì quá nhiều giấy tờ khi đi khám chữa bệnh (KCB)…
Việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử dự kiến sẽ giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Ảnh: N.N
Tất cả trong một
Bị tiểu đường kèm theo huyết áp thấp nên từ nhiều năm nay chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (42 tuổi, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) thường xuyên phải đến BV. Mỗi lần đi khám bệnh, chị vô cùng mệt mỏi vì các thủ tục giấy tờ rườm rà như thẻ BHYT, chứng minh nhân dân, sổ khám bệnh…
Chị Tuyền kể: “Nhiều lúc vội nên quên hoặc có khi bệnh nặng không kịp mang theo giấy tờ, đến BV thì ngồi chờ người thân về lấy; trong trường hợp bệnh nặng, tuy được vào cấp cứu nhưng phải chờ đầy đủ giấy tờ mới được nhập viện. Những người bệnh như tôi rất mong các BV cắt giảm bớt giấy tờ, càng ít càng tốt… ”.
Đây cũng là mong mỏi của nhiều người khi đi KCB. Bởi vậy khi có thông tin từ năm 2020, TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng thẻ BHYTĐT thay cho thẻ BHYT giấy, ai cũng mừng. Thẻ BHYTĐT dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, như giảm thiểu thủ tục và thời gian chờ đợi…
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh – Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh, thẻ BHYTĐT còn mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở KCB, cơ quan bảo hiểm trong việc khám bệnh, thanh toán bảo hiểm. Đặc biệt là tại TP.HCM, nơi có gần 90% người dân mua thẻ BHYT. Theo đó, việc phát hành thẻ BHYT điện tử sẽ giải quyết được tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT vì người đi KCB sẽ phải thực hiện việc xác thực nhân thân chủ thẻ thông qua thông tin sinh trắc học. Việc này cũng giúp rút ngắn thời gian làm các thủ tục kiểm soát, giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT. Ngoài ra, thẻ BHYTĐT cũng góp phần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục như: in gia hạn sử dụng thẻ hàng năm; đổi thẻ do sai lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu; điều chỉnh quyền lợi, đối tượng… Thẻ BHYTĐT sẽ được áp dụng ở tất cả các cơ sở y tế, từ trạm y tế xã, phường đến BV tuyến Trung ương trên địa bàn TP.HCM.
Phải nâng cấp cơ sở hạ tầng
Ông Thanh cho biết thêm, qua khảo sát của BHXH TP, hiện nay cơ sở hạ tầng tại các BV trên địa bàn chưa tương thích được với hệ thống BHXH TP. Vì vậy, việc triển khai chia sẻ dữ liệu giữa ngành y tế và BHXH cần có những quy chuẩn cụ thể hơn.
“Để có thể triển khai ứng dụng thẻ BHYTĐT thì mấu chốt là việc đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng CNTT trong quản lý, xử lý nghiệp vụ BHXH, BHYT. Vì vậy, để thống nhất tích hợp quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong phạm vi TP nói riêng và cả nước nói chung, cùng với các tỉnh, thành bạn, chúng tôi đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, các đơn vị, người lao động, người dân để rà soát dữ liệu và thu thập thêm thông tin cá nhân, quá trình tham gia BHXH, BHYT…”, ông Thanh thông tin.
Tại BV Q.2 – BV được Bộ Y tế chọn làm thí điểm phát hành thẻ KCB thông minh, hay còn gọi là hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống CNTT đã được nâng cấp trong 3 năm qua. Cho đến nay, BV đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận KCB bằng thẻ BHYTĐT.
BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Q.2 – cho biết, khi sử dụng thẻ BHYTĐT, người sử dụng thẻ được xác thực thông qua đầu đọc và nhận diện vân tay. Vì vậy tại khâu tiếp đón bệnh nhân sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức do không cần kiểm tra giấy tờ tùy thân, tránh tình trạng quá tải. Thẻ điện tử cũng sẽ giúp BV kiểm tra thông tin các lần KCB BHYT gần nhất, tránh trường hợp đi KCB và lấy thuốc không theo đợt điều trị. Tuy nhiên, BV muốn thực hiện được phải có những điều kiện cụ thể. Đặc biệt phần mềm CNTT của BV phải tích hợp được với BHXH. Nếu chưa tích hợp thì phải trang bị thêm một số server. Các cơ sở lớn có đủ điều kiện mới trang bị được, còn các BV chưa có kinh phí thì cần phải có sự hỗ trợ…
Bà Nguyễn Thị Thái Hòa – Trưởng phòng CNTT, BV Q.2 – cũng cho biết: “Qua quá trình đồng bộ hóa dữ liệu cho thấy, BHXH đã thay đổi nhiều kiểu mẫu, buộc các cơ sở KCB phải thay đổi theo khiến các đơn vị lúng túng. Vì vậy, khi đưa vào sử dụng thẻ BHYTĐT, cần phải có một kiểu mẫu chuẩn, cố định để BV xây dựng và thực hiện, không mất nhiều thời gian chỉnh sửa”.
Ngoài ra, song song với phối hợp cùng BHXH trong việc ứng dụng thẻ BHYTĐT, các cơ sở KCB còn phải triển khai thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Để thực hiện được, các cơ sở KCB cần phải nâng cấp hạ tầng CNTT theo mô hình từng cấp độ. Do đó, Bộ Y tế cần kịp thời quy định chi tiết về các quy chuẩn kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng khó kết nối, khó đồng bộ và tập trung dữ liệu chung ở giai đoạn sau này…
Theo GDTP