Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ được lắp camera giám sát, ghi nhật ký chăm sóc điện tử…
Năm đầu tiên, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có 20 ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết đây là mô hình liên kết giữa nông dân trồng vải Lục Ngạn với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ, DN thu mua ký hợp đồng bao tiêu để giảm rủi ro cho người trồng. “Tuy nhiên, vì năm đầu tiên thí điểm mô hình này, vải còn trên cây chưa hái nên chưa thể tiết lộ nhiều” – ông Bình chia sẻ. Ngoài diện tích thí điểm canh tác vải theo tiêu chuẩn organic, huyện Lục Ngạn còn triển khai xây dựng thêm 40 ha đạt chuẩn GlobalGAP.
Gần 100% vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP
Tại Bắc Giang, bên cạnh việc tập trung xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều, chính quyền tỉnh còn phối hợp cùng các bộ – ngành chức năng hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng vải thiều, mở rộng vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn bà con nông dân kỹ thuật canh tác, chăm bón vải thiều; đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Kết quả là năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi, tỉ lệ ra hoa, đậu trái thấp so với năm 2018 nhưng trái vải sáng đẹp hơn, chất lượng đồng đều hơn. Hiện giá bán vải sớm đầu vụ ngay tại tỉnh Bắc Giang khoảng 30.000 – 50.000 đồng/kg, cao gấp 2 hoặc 2,5 lần so với cùng thời điểm năm 2018.
Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết toàn tỉnh đã có 13.855 ha vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 218 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ điều kiện xuất sang thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác. Trung Quốc cũng đã cấp 149 mã vùng cho trái vải tươi Bắc Giang. Cũng theo ông Thái, diện tích trồng vải tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP đang được mở rộng, đủ đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn. Trái vải thiều đặc sản của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã xuất khẩu sang 30 thị trường nhưng đến nay, ngoài thị trường chính là Trung Quốc (chiếm 90% sản lượng vải xuất khẩu) thì số lượng xuất sang các thị trường còn lại rất khiêm tốn do khó bảo quản, chi phí vận chuyển cao…” – ông Thái giải thích và thông tin sản lượng vải hằng năm rất lớn, tạo sức ép tiêu thụ lên người dân lẫn chính quyền tỉnh. “Năm rồi, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM – Saigon Co.op đã hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ gần 400 tấn vải thiều Lục Ngạn và quảng bá vải thiều Lục Ngạn chính gốc đến người tiêu dùng trên cả nước. Năm nay, tỉnh tiếp tục đồng hành cùng DN này tổ chức phân phối trái vải, trọng tâm quảng bá sẽ là khu vực miền Trung, làm sao để người tiêu dùng cả nước biết được thương hiệu vải thiều Bắc Giang cũng như an tâm về chất lượng sản phẩm” – ông Thái nói.
Theo NLĐ