Ông Hà Văn Siêu
+ Con số hơn 6 triệu khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi nói lên điều gì thưa ông?
– Trước hết, nó nói lên rằng nhu cầu du lịch là không thể thiếu. Xu hướng du lịch rất rõ nét khi dịch đã được kiểm soát, ngay lập tức các hoạt động du lịch có thể phục hồi trở lại. Hoạt động du lịch sau một thời gian dài ngưng trệ nhưng khi có khách đã hoạt động trở lại ngay lập tức. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp du lịch, các địa phương rất nhạy bén, linh hoạt.
Mặc dù còn nhiều khó khăn như thiếu hụt nhân lực trong những ngày Tết, nhưng việc huy động, tổ chức nhân lực trong những ngày Tết được triển khai nhanh, tức thời.
Những con số ấn tượng những ngày Tết vừa qua cho thấy du lịch là một xung lực để tạo ra sự lan tỏa, tạo niềm tin, không khí sôi động cho mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Nhờ đó, quá trình phục hồi kinh tế-xã hội sẽ nhanh hơn. Con số này cũng nói lên rằng giữa khách du lịch với người làm du lịch đang có sự chia sẻ lẫn nhau, đồng hành với nhau để làm quen với bối cảnh mới: có dịch vẫn du lịch an toàn.
+ Bên cạnh niềm vui, ngành du lịch cũng phải tính làm thế nào để giữ được nhịp tăng trưởng vì kỳ nghỉ dài như Tết vừa rồi không còn nhiều?
– Du lịch dịp Tết vừa rồi là khởi đầu của năm 2022, cũng là khởi đầu của giai đoạn mới để phục hồi. Khởi đầu đã có những tín hiệu đáng mừng như vậy là rất tích cực nhưng cũng đặt ra thách thức, kỳ vọng mở ra một thời kỳ mới phát triển mạnh hơn nữa cả về chất lượng và số lượng, về tính chất cũng như quy mô.
Trước mắt đối với du lịch nội địa, bộ ngành và địa phương cùng xây dựng các điểm đến, các sản phẩm du lịch an toàn; phát động các chiến dịch, chương trình du lịch nội địa với thông điệp “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” để khách yên tâm lên kế hoạch cho những chuyến đi mỹ mãn, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư làm mới sản phẩm, tái cấu trúc sản phẩm.
Đoàn khách du lịch Nga trở lại Nha Trang ngày 26/12/2021 sau 2 năm dừng bay quốc tế. Ảnh: Công Hoan
Đối với du lịch quốc tế, chúng ta đã thí điểm và tiến tới mở lại hoàn toàn bình thường vào cuối tháng 3, cho nên phải chuẩn bị cả về năng lực của điểm đến để tạo kháng thể an toàn về y tế, về năng lực dịch vụ trong bối cảnh mới. Các bộ Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Ngoại giao phối hợp chặt chẽ hướng dẫn quy định về du lịch quốc tế, đảm bảo an toàn, thông thoáng, thuận tiện, thoải mái, tạo cho du khách những thông tin đầy đủ, kịp thời. Những thông tin truyền thông, quảng bá du lịch phải đến với khách sớm để họ lên kế hoạch.
Chương trình truyền thông quảng bá, mời gọi khách du lịch đến Việt Nam với thông điệp “Live fully in Việt Nam” thể hiện rõ Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, sống động với những cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp về điểm đến an toàn, hấp dẫn, có trách nhiệm.
+ Qua thời gian hai năm dịch bệnh hoành hành, vai trò của du lịch nội địa cũng được nhìn nhận lại. Đến thời điểm này, chúng ta có nên bàn về chương trình kích cầu giảm giá để tiếp tục phục hồi và phát triển du lịch nội địa hay sẽ có những giải pháp khác?
– Du lịch nội địa và du lịch ra nước ngoài, đều phải được quan tâm như nhau. Chưa bao giờ chúng ta coi nhẹ du lịch nội địa nhưng quả thực đây là mảng làm nền cho ngành du lịch. Du lịch quốc tế có những thăng trầm nhưng du lịch nội địa thì luôn là nền tảng vững chắc, luôn là cứu cánh trong các giai đoạn khủng hoảng.
Sau bài học của dịch COVID-19, du lịch nội địa từng bước phục hồi rồi mới tới phục hồi quốc tế. Khi các điểm đến được đảm bảo an toàn, các vùng xanh được công bố thì ngay lập tức khách tìm đến. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần tạo điều kiện để những nhu cầu đó được thực thi: người mong muốn đi du lịch được đến những nơi an toàn. Đấy cũng là một trong những chương trình, một dạng kích cầu du lịch nội địa trong lúc này. Chúng ta phải công bố những điểm xanh, những điều kiện nếu có, hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, công khai, thông suốt, liền mạch tạo ra cảm xúc, niềm tin cho khách, cho doanh nghiệp. Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương phát động những chương trình du lịch an toàn đến các điểm đến không chỉ truyền thống, sẽ có nhiều điểm đến mới. Việc phát động du lịch nội địa phải được lan tỏa cho xã hội để làm sao các nhu cầu tự nhiên, nhu cầu đi du lịch của mỗi con người đều có khả năng thực hiện mà không bị hạn chế.
+ Câu chuyện mở cửa trở lại không chỉ phụ thuộc vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Đến thời điểm này, các bộ ngành liên quan đồng thuận và hỗ trợ như thế nào thưa ông?
– Cho đến nay, những đề nghị của Bộ VHTTDL về phục hồi và mở lại du lịch thí điểm, tiến tới mở lại hoàn toàn… đều được các bộ ngành đồng thuận rất cao. Tuy nhiên trong thực hiện thì vẫn có vướng mắc về thủ tục, mẫu tờ khai, một hướng dẫn hai cách hiểu… Đôi khi độ trễ về thời gian cũng tạo ra những ngắt quãng, mà du lịch thì đòi hỏi sự thông suốt, sự thoải mái và được tôn trọng. Vì vậy những quy định đôi khi tạo ra những cái khó chịu thì khách cũng có thể không hào hứng.
Sự đồng thuận, hợp tác giữa các bộ ban ngành đã tốt, nhưng đòi hỏi phải tốt hơn, chặt chẽ và thấu hiểu hơn nữa để các chương trình du lịch được trọn vẹn, tránh khách bị bức xúc, khó chịu. Du lịch gắn với cảm xúc của con người. Người ta chọn chỗ an toàn, vui vẻ chứ không ai chọn chỗ khó chịu để đi. Khách càng cao cấp thì mong đợi sự thoải mái, sự tôn trọng càng cao, xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra. Chúng ta phải cầu thị, lắng nghe du khách để hoàn thiện quy trình dịch vụ hơn nữa.
Cảm ơn ông!
Việt Nam là điểm đến được đánh giá cao
Ông Hà Văn Siêu cho biết, các chuyên gia quốc tế vẫn dự báo và nhận định Việt Nam là điểm đến mới, có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên điều này cũng tạo nên sức ép, buộc du lịch Việt phải thể hiện bằng năng lực, cung cấp sản phẩm/điểm đến du lịch chất lượng hơn.
BẢO HÂN