Trái cây mà cũng có “nước mắt”? Có đấy, từ lâu đã có nước mắt thanh long, nước mắt dưa hấu, nước mắt nhãn, nước mắt mít Thái… Và nay ngọt như cam mà vẫn có nước mắt – nước mắt của bà con nông dân trồng cam ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Người Sài Gòn những ngày qua thấy nước mắt cam trên vỉa hè với những đống cam rất bắt mắt; trên những chiếc xe của người bán dạo; trên mạng xã hội những người trẻ tuổi tìm cách “giải cứu” cam cho bà con nông dân. Giá cam thật ngon chỉ với từ 6-10 ngàn đồng/kg, trong khi trước Tết nguyên đán phải có giá 30-40 ngàn đồng/kg.
Trái cây rớt giá thê thảm
Đâu chỉ có cam, không ít loại trái cây chỉ có giá trên dưới 10.000 đồng/kg. Giá mận An Phước chỉ 7.000 – 8.000 đồng/kg, xoài cát chu 7.000 – 8.000 đồng/kg, vú sữa trắng từ 11.000 – 13.000 đồng/kg, vú sữa tím 10.000 – 12.000 đồng/kg, dừa xiêm Bến Tre cũng chỉ có giá 15.000 đồng/2 trái… Tất cả đều giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Vì sao giá cam rẻ như vậy? Câu trả lời là năm nay các nhà vườn ở ĐBSCL thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, cam ra trái rất tốt, sản lượng tăng cao. Tết nguyên đán năm nay đến sớm, khi cam chưa kịp đến thời vụ thu hoạch; còn sau Tết thì cam chín rộ, “đụng hàng” với nhiều loại trái cây khác cũng đang mùa thu hoạch, làm dội chợ, cũng là những nguyên nhân! Trong khi xuất khẩu cam là bất khả thi. Và điệp khúc “được mùa mất giá” lại vang lên trong nước mắt người nông dân, khi giá cam bán ra chỉ đủ tiền trả công cho người thu hoạch!
Bỏ rơi thị trường nội địa và xuất thô
Cuối năm 2022, khách hàng nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch truyền thống mà Trung Quốc hiện nay không còn khuyến khích, yêu cầu xuất chính ngạch với những điều kiện khắt khe. Cam là loại trái cây chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, và chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó chúng ta bỏ rơi thị trường nội địa. Gần 100 triệu dân, mà nhà nào cũng cần có cam trong tủ lạnh, sao lại để cam chất lượng cao như vậy cứ quanh quẩn ở các tỉnh miền Nam, xa lắm cũng chỉ đến với các tỉnh Nam Trung bộ. Hệ thống phân phối đang bị cắt đứt vì không có lãi hay chính chúng ta tự cắt khúc? Hệ thống phân phối quốc gia có hoạt động?
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu các loại trái cây tươi của Việt Nam đạt gần 2,1 tỉ USD, giảm 11% so với năm 2021. Hầu hết các sản phẩm đều giảm, trừ sầu riêng và chuối; giảm mạnh nhất là xoài giảm gần 49% và thanh long giảm gần 39%. Thanh long, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít… là những mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 12-2022, sản lượng 12 loại cây ăn trái chủ lực tại vùng ÐBSCL gồm: thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, quýt, khóm, sầu riêng, nhãn, chôm chôm và mãng cầu ước đạt hơn 360.000 tấn. Tổng sản lượng cả năm 2022 ước đạt 4,15 triệu tấn. Một khối lượng sản phẩm khổng lồ từ vựa trái cây của ĐBSCL.
Theo TS Bùi Hồng Quân – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Vinamit phân tích, hiện nay phần lớn sản lượng trái cây được sản xuất ở ĐBSCL vẫn còn ở dạng tiêu thụ tươi là chủ yếu, sản lượng dành cho chế biến vẫn còn rất hạn chế, trở thành điểm yếu của hoạt động kinh doanh trái cây của các địa phương này. Đối với nhiều loại trái cây, do thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ hư hỏng cao, điều kiện sơ chế và công nghệ sau thu hoạch kém nên gây nhiều bất tiện cho người trồng và người kinh doanh trái cây…
Các chuyên gia cũng cho rằng, chính sự thiếu liên kết, sản xuất chưa gắn kết được với thị trường tiêu thụ, thiếu đầu tư công nghệ vào khâu sơ chế, chế biến là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho ngành hàng trái cây của ĐBSCL chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế; chưa phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Bên cạnh đó thương mại điển tử chưa phát huy được thế mạnh phân phối ở khu vực ĐBSCL.
Sơ chế, chế biến các sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng không chỉ là điểm yếu trái cây ĐBSCL mà cả với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác, như cà phê, tiêu, trà.
Lấy cà phê làm ví dụ. Là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỉ USD/năm, lớn thứ 2 thế giới, chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu ở hơn 80 quốc gia, chỉ đứng sau Brazil. Trong 1,2 – 2 triệu tấn cà phê Việt Nam xuất khẩu mỗi năm, chủ yếu vẫn xuất thô. Trong khi cà phê rang xay và hoà tan xuất khẩu chỉ chiếm 9,1% thị phần. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD, trong khi giá càphê nhân trên sàn chỉ đạt khoảng 2.400 USD. Trái cây ĐBSCL cũng ở trong tình trạng tương tự, chủ yếu xuất khẩu tươi.
Cần những nhà máy chế biến hiện đại
Việt Nam đã có những sản phẩm nước cam nội địa như Le Fruit, Vfresh, Twister, TH True Juice… nhưng để có sản phẩm nổi tiếng như nước ép cam Langers Orange Juice của Mỹ, có hương vị giống hệt nước ép trái cây tươi, 100% nước ép trái cây nguyên chất, không pha thêm đường, không chất bảo quản hay phẩm màu độc hại, thì nhiều sản phẩm của nước ta chưa cạnh tranh được.
Tháng 9-2020, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH đi vào sản xuất giai đoạn 1 với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược; mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, giải quyết được 15.000 hecta vùng nguyên liệu. Giai đoạn 2 (sau năm 2025), Dự án tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000 hecta nguyên liệu. Đây cũng là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến sản phẩm cam, nhãn cô đặc, trên dây chuyền hiện đại hàng đầu thế giới được lắp đặt bởi Tổng thầu Rieckermann của Đức và sử dụng thiết bị do Công ty Bertuzzi của Italia.
ĐBSCL cần những nhà máy chế biến trái cây hiện đại như vậy, với hệ thống kho lạnh quốc gia đặt tại các vùng nguyên liệu lớn để cung ứng cho các nhà máy. Chỉ có những nhà máy hiện đại, có công suất lớn, cho ra sản phẩn chất lượng có thể xuất khẩu và xuất khẩu có thương hiệu, hay cả tiêu thụ nội địa cũng rất tốt thì điệp khác “được mùa mất giá” sẽ không còn vang lên mọi năm.
Theo Lưu Nhi Dũ – doanhnghiephoinhap.vn