Việc thiếu kết nối trong lưu thông, phân phối khiến nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền chưa được người tiêu dùng biết đến gây khó cho tiêu thụ sản phẩm.
Do đó, việc xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng bền vững giữa DN sản xuất với DN phân phối là việc làm cấp bách giúp khơi thông đầu ra cho nông sản.
Sản xuất manh mún, liên kết lỏng lẻo
Những năm qua để đưa sản phẩm nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại tiêu thụ, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Tiến Dương (huyện Ðông Anh) đã chuyển đổi phương pháp canh tác theo hướng bền vững, an toàn, đẩy mạnh dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, đơn vị đã đẩy mạnh quảng bá, liên kết chặt chẽ với DN bán lẻ để có đầu ra cho sản phẩm bền vững.
“Với việc dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã tạo điều kiện cho sản phẩm của HTX được DN bán lẻ chấp thuận cho tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm” – Chủ nhiệm HTX nông nghiệp hữu cơ Tiến Dương Phạm Thị Lý cho biết. Chủ tịch HÐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng cũng chia sẻ, nhờ tham gia các chuỗi liên kết nên các sản phẩm của DN đã được bày bán tại hệ thống siêu thị Vinmart, BigC và 500 bếp ăn tập thể.
Người tiêu dùng chọn mua vải thiều tại hội chợ nông sản diễn ra ở Hà Nội ngày 14/6/2019. Ảnh: Lê Nam
Mặc dù đã có những bước tiến khả quan, song thực tế cho thấy quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự bền vững. Theo Bộ Công Thương, hiện lượng hàng hóa tiêu thụ qua chương trình kết nối chỉ chiếm từ 15 – 20% sản lượng. Nguyên nhân là do quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa số lượng lớn, qua đó thu hút DN quy mô lớn tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi…
Đề cập đến những khó khăn trong tạo dựng chuỗi liên kết cung ứng, tiêu thụ hàng hóa tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa DN sản xuất và DN phân phối” do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) vừa tổ chức đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.
Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Đỗ Hoàng Thạch nêu ý kiến: Nhiều địa phương mặc dù có mô hình sản xuất sản phẩm tốt nhưng rất khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm với DN bán lẻ, nguyên nhân là do sản xuất quy mô nhỏ nên DN phân phối thiếu thông tin để có thể liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch AVR Vũ Thị Hậu đã chỉ ra khoảng trống giữa DN sản xuất với DN phân phối trong chuỗi liên kết hiện nay. Cụ thể, DN bán lẻ và DN sản xuất thường “mạnh ai nấy chạy” nên khó xây dựng chuỗi cung ứng.
Liên kết 6 “nhà” tìm đầu ra cho nông sản
Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy trung bình một năm TP Hà Nội tiêu thụ khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng, 900.000 tấn rau các loại… đây là thị trường rộng lớn cho các HTX, DN kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Mặc dù nhu cầu nông sản của thị trường Hà Nội khá cao nhưng chỉ có 20% các loại nông sản, thực phẩm được phân phối qua hệ thống các siêu thị, 80% còn lại được phân phối, tiêu thụ thông qua hệ thống chợ truyền thống. Vì vậy cùng với việc mở rộng kênh tiêu thụ nông sản thực phẩm qua hệ thống siêu thị, thì việc củng cố chợ đầu mối, chợ truyền thống đáp ứng yêu cầu về giao thương, tạo điều kiện cho DN sản xuất kết nối với DN tiêu thụ là đòi hỏi bức thiết.
Từ thực tế này, Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 sẽ tập trung xây dựng thêm 6 chợ đầu mối cấp vùng với diện tích từ 20 – 30 ha/chợ, nâng tổng số lên là 8 chợ đầu mối. Các chợ đầu mối này không chỉ tập trung ở khu vực cận đô, mà còn phát triển ở các huyện có tiềm năng về sản xuất, hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với nội đô và các vùng phụ cận. Chợ đầu mối sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chế biến và kênh phân phối hiện đại…
Tại Hội nghị liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững giữa Bộ NN&PTNT với UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nêu rõ: Hà Nội sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với sự gắn kết chặt chẽ giữa: Nhà nông – Nhà nước – Nhà khoa học – DN – Ngân hàng – Nhà phân phối.
Đồng thời chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu nông sản để điều chỉnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường và chủ động tìm đầu ra cho nông sản an toàn. Việc xây dựng chuỗi kết nối giữa DN sản xuất với DN tiêu thụ tạo nguồn hàng ổn định, giúp tiêu thụ các sản phẩm nông sản một cách bền vững.
Theo: kinhtedothi.vn