Mất ngủ do COVID-19 có thể tác động bởi nhiều yếu tố bao gồm: sự sợ hãi về đại dịch, lo lắng cho những người thân, lo lắng về tài chính, giao tiếp xã hội bị hạn chế, lối sống thay đổi và ảnh hưởng trực tiếp từ bệnh lên cơ thể (đau nhức, khó thở, mệt mỏi, ho, đổ mồ hôi ban đêm…).
Theo khảo sát, mất ngủ xảy ra ở hầu hết các đối tượng kể cả không mắc hoặc mắc COVID-19, nhất là người đang mắc và hậu COVID-19 sức khỏe suy giảm, tình trạng mất ngủ càng nặng nề hơn.
Những biểu hiện mất ngủ như khó vào giấc ngủ, ngủ ít hơn bình thường, giấc ngủ không sâu, có những giấc mơ khó chịu; ban ngày mệt mỏi, tâm tính thay đổi, học tập và làm việc kém tập trung.
Biện pháp đối phó với tình trạng mất ngủ
Cách tốt nhất để có được giấc ngủ ngon trong giai đoạn dịch bệnh này là chủ động điều chỉnh lại lối sống mà đã bị thay đổi do đại dịch:
– Thiết lập lại đồng hồ sinh học, nên ngủ đủ 6-8 giờ mỗi đêm và cố gắng đi ngủ (tốt nhất là trước 23h) và thức dậy vào cùng giờ giấc như nhau trong tất cả các ngày trong tuần.
– Nên giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Tắt tất cả các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ.
– Tạo không gian phòng ngủ sạch sẽ, nhiệt độ thích hợp, yên tĩnh và tối. Cất đồ điện tử xa tầm tay.
– Nên ngâm chân nước ấm hoặc thiền 30 phút trước khi đi ngủ.
Chữa mất ngủ do đại dịch COVID-19 theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, mất ngủ thuộc phạm vì chứng “thất miên”. Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ. Tùy theo từng thể bệnh mà có những nguyên nhân khác nhau.
Âm dương không cân bằng, ngũ tạng thất hoà, tinh khí hư tổn là nguyên nhân chủ yếu của loại bệnh này. Người mắc COVID-19 mất ngủ là do sức suy, khí huyết hư tổn, dưỡng khí không thông, khí của ngũ tạng đảo lộn, âm huyết suy yếu, tinh thần bất an…
– Khí huyết trong cơ thể hư suy, không nuôi dưỡng được tâm.
– Lo nghĩ quá độ mà ảnh hưởng đến tâm tỳ.
– Sợ hãi, lo lắng thái quá, không dám quyết đoán khiến cho tâm đởm khí hư, thần hồn không yên gây mất ngủ.
– Thận âm hư không tiềm được dương, không chế được hỏa, gây chứng tâm thận bất giao; hoặc thận tinh hư tổn, không sinh tủy, từ đó không nuôi dưỡng được não, làm cho não tủy thất dưỡng mà gây chứng mất ngủ.
– Ăn uống không điều độ gây thực tích sinh đờm thấp ủng trệ, làm vị bất hòa, dẫn đến mất ngủ.
Vì vậy, việc điều trị chủ yếu quan tâm đến các tạng phủ tâm, tỳ, thận, đởm.
Một số cách phòng chống mất ngủ theo y học cổ truyền
Xoa bóp – bấm huyệt cục bộ hoặc toàn thân có tác dụng tạo cảm giác thư thái, nhẹ nhàng trước khi đi ngủ.
Khí công – dưỡng sinh: Thực hiện các bài tập luyện ý, luyện thở, luyện hình thể hằng ngày phù hợp với từng người có tác dụng giúp tình thần thư thái, cơ thể khoẻ mạnh. Từ đó giúp làm tăng thời lượng và chất lượng giấc ngủ.
Tránh tình trạng nhàn rỗi quá mức, thường dẫn đến hiện tượng ngủ gà vào ban ngày, mất ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý người bệnh không nên hoạt động quá sức, dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, căng thăng về thể chất và tinh thần gây mất ngủ.
Sử dụng một số món ăn bài thuốc có tác dụng an thần, giúp phòng chống mất ngủ như:
– Thảo quyết minh sao đen: sắc uống hoặc hãm trà uống hằng ngày.
– Tâm sen sao vàng, mỗi ngày 15g sắc nước uống trong ngày.
– Trà hoa nhài: hãm nước uống hằng ngày.
– Hoa hiên, đường phèn: sắc nước uống trước khi đi ngủ.
– Chè long nhãn, hạt sen.
– Lá vông: mỗi ngày một nắm đun nước uống hoặc nấu canh ăn.
– Hoa thiên lý: làm rau ăn hằng ngày…
Chăm sóc giấc ngủ và phòng chống mất ngủ là việc rất quan trọng, góp phần nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của chúng ta trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.