Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân tộc luôn có sức hấp dẫn đối với khán giả và du khách. Ảnh: Văn Điệp
NSND Triệu Trung Kiên – quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam – cho biết 17 cộng đồng dân tộc đến từ 15 tỉnh, thành tham dự Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam gồm: Tày, Nùng, Mông, Khơ Mú, Thái, Bahnar, Xê Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer…Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ giới thiệu, trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh như: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; hát xoan Phú Thọ; dân ca quan họ Bắc Ninh; ca trù; dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; nhã nhạc cung đình Huế; nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; đờn ca tài tử Nam Bộ.
Nhiều hình ảnh, băng dĩa, clip giới thiệu về các loại nhạc cụ dân tộc; những lễ hội cổ truyền, phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc sẽ được giới thiệu, trình diễn và tái hiện sinh động trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam như: lễ rước nước trong lễ hội Kinh Dương Vương, lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc Gia Rai, lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Lào, Tết Chôl Chnăm Thmây và các hoạt động “mừng vui ngày Tết” của đồng bào Khmer…
Theo Thanh Hiệp/NLĐO