Hội nghị khoa học chủ đề “Những tiến bộ trong điều trị Tim mạch: Từ can thiệp đến dự phòng” do Bệnh viện FV tổ chức tại TP.HCM ngày 19/4/2025 thu hút sự tham gia của 638 bác sĩ cùng các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Sự kiện là diễn đàn khoa học thường niên, uy tín nhằm cập nhật những tiến bộ mới nhất trong điều trị các bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim…
Hội nghị minh chứng vai trò tiên phong của FV – Bệnh viện quốc tế thuộc tập đoàn Y tế Thomson (Singapore) trong việc áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến, kết nối sâu rộng với mạng lưới bác sĩ nước ngoài, từng bước đưa y học quốc tế đến gần hơn cộng đồng y khoa Việt Nam, từ đó mở ra cơ hội cứu sống cao hơn cho bệnh nhân tim mạch.
Hội nghị do GS.TS.BS. Đỗ Doãn Lợi – Chủ tịch Hội Suy tim Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai và PGS.TS.BS. Phạm Nguyễn Vinh – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam đồng chủ tọa. Ngoài ra còn có các báo cáo viên khác là chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Can thiệp mạch vành: đột phá từ công nghệ hình ảnh học tới vai trò của sinh lý mạch vành
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, trong đó, bệnh lý mạch vành là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim cấp. Việc xác định rõ nguyên nhân và mức độ tổn thương mạch vành sẽ giúp các bác sĩ đưa ra giải pháp điều trị nhanh chóng và hiệu quả, tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân.
Tại hội nghị, TS.BS Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp Bệnh viện FV trình bày 2 kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS) và Kỹ thuật cắt lớp quang học động mạch vành (OCT). Các tiến bộ về hình ảnh học gần đây được áp dụng trong điều trị tim mạch tại FV, hỗ trợ các bác sĩ can thiệp có thêm công cụ để chẩn đoán và điều trị chính xác hơn. Nhiều ca bệnh nhân chỉ còn vài % cơ hội sống đã được điều trị hiệu quả nhờ vào việc ứng dụng các kỹ thuật này.
TS.BS Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV.
Kỹ thuật IVUS sử dụng một đầu dò siêu âm khoảng 60MHz cho chất lượng hình ảnh HD luồn vào trong lòng động mạch vành, nhờ đó, bác sĩ đánh giá chính xác cấu trúc thành động mạch vành và các bệnh lý liên quan cũng như sự thay đổi của lòng mạch trước và sau can thiệp.
Với kỹ thuật cắt lớp quang học động mạch vành (OCT), bác sĩ sẽ đưa vào lòng mạch vành một thiết bị ghi hình siêu nhỏ có phát tia hồng ngoại bước sóng ngắn để ghi nhận hình ảnh trong lòng mạch. Các hình ảnh cho phép nhìn thấy rõ các cấu trúc trong lòng mạch, bác sĩ xác định được chính xác vị trí cần đặt stent, chọn stent có kích thước phù hợp, giảm nguy cơ tái hẹp.
Cũng liên quan tới điều trị mạch vành, BS Keh Yann Shan – Chuyên gia can thiệp, Khoa Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore có bài trình bày về “Vai trò của sinh lý mạch vành trong quyết định lâm sàng ở bệnh nhân bệnh động mạch vành”. Việc sử dụng các chỉ số sinh lý mạch vành giúp bác sĩ đánh giá và quyết định các phương pháp can thiệp hiệu quả, góp phần cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật còn mới mẻ với các bác sĩ Việt Nam.
BS Keh Yann Shan – Chuyên gia can thiệp, Khoa Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore.
“Cuộc cách mạng” điều trị đột quỵ và giải pháp cho nỗi lo tái phát
TS.BS Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV cho biết, đột quỵ có nguy cơ tái phát cao (7-20% ở năm thứ nhất và 16-35% ở năm thứ 5). Các trung tâm tim mạch cần xây dựng chiến lược phòng ngừa đột quỵ tái phát; điều này đòi hỏi hệ thống chăm sóc tích hợp gồm: Giáo dục và đánh giá hiệu quả chăm sóc; Điều trị và kiểm soát yếu tố nguy cơ; Dịch vụ sàng lọc và chẩn đoán; Tăng cường tiếp cận và quản lý bệnh nhân.
Ở đề tài này, TS.BS John Chaw Chian Wang, Chuyên gia phẫu thuật mạch máu và nội mạch, Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore mang đến hội nghị những kiến thức bổ ích về điều trị tiêu sợi huyết và hút huyết khối trong huyết khối tĩnh mạch sâu. Căn bệnh chiếm 2,5% – 5,0% dân số này có nguy cơ gây tử vong do hình thành cục máu đông dẫn tới tim và gây thuyên tắc phổi.
TS.BS John Chaw Chian Wang, Chuyên gia phẫu thuật mạch máu và nội mạch, Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore.
Theo bác sĩ Wang, ngoài dùng thuốc, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thủ thuật hút huyết khối tĩnh mạch sâu áp dụng cho các trường hợp cấp tính, có tỷ lệ thành công cao, ngăn ngừa hiệu quả biến chứng tim mạch và thuyên tắc phổi.
TS.BS Lê Tự Phương Thảo, Đơn vị Thần kinh – Khoa Nội, Bệnh viện FV giới thiệu tới hội nghị vai trò của kỹ thuật lấy huyết khối cơ học trong điều trị đột quỵ cấp bằng dụng cụ stent retriever. Phương pháp khơi thông các mạch máu lớn bị tắc này được chứng minh là cách điều trị hiệu quả ưu việt cho nhồi máu não cấp, đặc biệt là trong vòng 6 giờ đầu tiên sau khởi phát triệu chứng.
TS.BS Lê Tự Phương Thảo, Đơn vị Thần kinh – Khoa Nội, Bệnh viện FV.
BS Thảo gọi lấy huyết khối cơ học là cuộc cách mạng trong điều trị đột quỵ. Đặc biệt, chỉ định lấy huyết khối ngày nay không chỉ giới hạn trong cửa sổ thời gian 6 giờ đầu sau đột quỵ mà còn có thể áp dụng cho các trường hợp đến muộn hơn (6-24 giờ). Thách thức ở đây là làm sao tổ chức được hệ thống điều trị đột quỵ, đảm bảo bệnh nhân được điều trị kịp thời và hiệu quả, bao gồm quyết định về quy trình chuyển tuyến bệnh nhân và vai trò của các chuyên gia can thiệp mạch máu thần kinh.
FV tiên phong cập nhật kỹ thuật TAVI thế hệ mới
Thay van động mạch chủ qua da (TAVI) là một chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các y bác sĩ trong điều trị hẹp van động mạch chủ.
Theo BS Shargunandass Iynam – Chuyên gia can thiệp tim mạch, Serdang Heart Center, Malaysia – thay van động mạch chủ qua da (TAVI) là thủ thuật xâm lấn tối thiểu đã trở nên thường quy trong điều trị hẹp van động mạch chủ. Bằng một ống thông đi qua mạch máu ở đùi hoặc một đường rạch nhỏ ở ngực, bác sĩ sẽ đưa van nhân tạo tới tim, thay thế cho van động mạch chủ bị tổn thương. Sự phát triển 20 năm qua của TAVI đã mang lại nhiều cải tiến, với độ bền ngày càng được cải thiện, quy trình được tối giản, thậm chí không cần gây mê toàn thân.
“TAVI được chỉ định trong điều trị hẹp van động mạch chủ nặng có triệu chứng, tiến tới có thể mở rộng cho bệnh nhân không triệu chứng. Tương lai TAVI sẽ được chỉ định cho cả bệnh nhân trẻ, đặc biệt với trường hợp van 2 lá”, BS Shargunandass Iynam chia sẻ.
BS Shargunandass Iynam – Chuyên gia can thiệp tim mạch, Serdang Heart Center, Malaysia.
Theo TS.BS Hồ Minh Tuấn, dù phổ biến trên thế giới song ở Việt Nam, TAVI mới chỉ điều trị khoảng 70 ca/năm, do chưa nhiều cơ sở y tế đủ năng lực thực hiện thủ thuật này. TAVI là phương pháp điều trị thường quy tại FV, với sự hỗ trợ đắc lực của phần mềm phân tích hình ảnh CT 3Mensio tích hợp AI mô phỏng không gian ba chiều của động mạch và cấu trúc tim, hỗ trợ bác sĩ đánh giá chi tiết kích thước van, đường đi của dụng cụ và vị trí đặt van tối ưu.
Năm 2025, FV tiên phong ứng dụng Công nghệ van tim Evolut™ FX thế hệ mới tại Việt Nam – một cải tiến quan trọng, mang lại thành công trong thay van cho bệnh nhân có cấu trúc mạch máu phức tạp.
Rung nhĩ: Điều trị cá nhân hóa và kỹ thuật triệt đốt bằng sóng cao tần
Rung nhĩ – bệnh lý rối loạn nhịp tim ngày càng phổ biến trong cộng đồng, là nguyên nhân gây ra 25% trường hợp đột quỵ. Tại hội nghị, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cung cấp cái nhìn tổng quan và cập nhật về các khuyến cáo mới nhất trong chẩn đoán và điều trị rung nhĩ, nhấn mạnh việc quản lý toàn diện và cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Các thông tin này hữu ích cho các bác sĩ điều trị rung nhĩ, giảm nguy cơ biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam.
BS Hoàng Quang Minh, Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV giới thiệu những cập nhật mới nhất về triệt đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần kết hợp hệ thống lập bản đồ 3D giúp “sửa lỗi” nhịp tim. Phương pháp này được áp dụng thường quy tại Bệnh viện FV. BS Minh cho biết, triệt đốt rung nhĩ hiện được xem như phương pháp điều trị đầu tay, an toàn, hiệu quả, với độ chính xác và cá nhân hóa ngày càng cao nhờ những tiến bộ công nghệ hiện đại.
Bác sĩ Hoàng Quang Minh, Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV.
Lập kế hoạch điều trị và chăm sóc toàn diện bệnh nhân tim mạch
Ở chủ đề này, GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi – Phó Chủ tịch Hội Tim Mạch Việt Nam, Chủ tịch Phân hội Suy tim Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai – chia sẻ về mô hình quản lý toàn diện bệnh nhân suy tim. Theo GS. Lợi, suy tim được xem là giai đoạn cuối của bệnh lý tim mạch, 75% bệnh nhân tử vong trong vòng 5 năm sau nhập viện do suy tim, tỷ lệ tái nhập viện tới 50% trong vòng 6-12 tháng. Trong khi đó, 70% người dân không coi suy tim là bệnh lý nguy hiểm.
GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi – Phó Chủ tịch Hội Tim Mạch Việt Nam – Chủ tịch Phân hội Suy tim Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai.
“Để giảm gánh nặng của suy tim bao gồm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao, cũng như tần suất nhập viện, cần áp dụng chiến lược toàn diện với cách tiếp cận đa chiều, đa chuyên ngành, và cần sự chung tay của cả xã hội, kể cả việc giáo dục ý thức cộng đồng”, GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi nhấn mạnh.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào – Phó Chủ tịch Hội Nội Tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam đề cập tới Hội chứng Chuyển hóa – Tim – Thận – một rối loạn sức khỏe bao gồm các tình trạng như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường, thừa cân, béo phì và tăng triglycerid máu… Khoảng 70% bệnh nhân đái tháo đường type 2 có các yếu tố nguy cơ tim mạch kèm theo như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và hội chứng chuyển hóa. Vì vậy điều trị đái tháo đường type 2 theo các hướng dẫn mới nhất của y khoa thế giới cũng góp phần ngăn ngừa biến chứng tim mạch.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào – Phó Chủ tịch Hội Nội Tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam.
“Để điều trị hội chứng Chuyển hóa – Tim – Thận cần có cách tiếp cận toàn diện, đa ngành, bao gồm phân tầng nguy cơ, phòng ngừa và điều trị theo phân tầng, chăm sóc đa ngành và phương pháp tiếp cận lấy bệnh nhân làm trung tâm”, bác sĩ Đào nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ThS.BS Trần Đại Quỳnh Vân – Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV cũng giới thiệu về Nghiệm pháp gắng sức tim phổi (CPET) nhằm đánh giá chức năng tim – phổi ở bệnh nhân suy tim, từ đó tối ưu hóa chiến lược điều trị cho bệnh nhân tim mạch.
ThS.BS Trần Đại Quỳnh Vân – Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV.
Bệnh viện FV nâng cao vai trò cầu nối y khoa quốc tế
Là bệnh viện quốc tế được tổ chức JCI chứng nhận, FV từ lâu đã đầu tư một Trung tâm Tim mạch tầm cỡ khu vực, với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật công nghệ tiên tiến, đồng thời tích cực giao lưu mở rộng hợp tác quốc tế.
Hằng năm FV tổ chức hội nghị tim mạch thường niên mời các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đến chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng điều trị của ngành tim mạch hiện đại, góp phần đưa ngành tim mạch nước nhà nhanh chóng bắt kịp thế giới. Đặc biệt, khi FV gia nhập Tập đoàn Y tế Thomson (Singapore), việc hợp tác chiến lược của FV với các trung tâm tim mạch, các chuyên gia hàng đầu ở Singapore và Malaysia càng trở nên mạnh mẽ hơn.“Sự có mặt của các chuyên gia tim mạch trong nước và quốc tế giúp mang lại không khí mới mẻ, cập nhật các kiến thức mới nhất. Hội nghị cũng là nơi gắn kết các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và nội tiết từ Bắc tới Nam cùng các chuyên gia hàng đầu trong nước lẫn quốc tế, điều này cho thấy thành công của hội nghị. Lợi ích cuối cùng là nâng cao sức khỏe cộng đồng”, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào nhận xét.
BS Keh Yann Shan – Chuyên gia can thiệp, Khoa Tim mạch, Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore nhận định: “Hội nghị này là cơ hội tuyệt vời để chúng ta hợp tác, học hỏi lẫn nhau và cùng nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân”.
ThS.BS. Vũ Trường Sơn – Giám Đốc Y Khoa, Bệnh Viện FV.
Phát biểu tại hội nghị, ThS.BS. Vũ Trường Sơn – Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV nhấn mạnh: “Hy vọng qua hội nghị này, FV sẽ trở thành đầu mối y khoa uy tín trong khu vực để quý thầy cô cùng trao đổi với các chuyên gia của FV, các chuyên gia nước ngoài, cùng xử lý các ca bệnh phức tạp, kết hợp triển khai những kỹ thuật tim mạch hiện đại, đồng thời mở ra cơ hội nghiên cứu lâm sàng, phát triển những phác đồ điều trị tiên tiến cho bệnh nhân”.
Các chuyên gia giao lưu với khách mời
Mỹ Thanh