Mỗi quận, huyện trên địa bàn TP HCM sẽ triển khai một mô hình chợ truyền thống bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm nay.
Đây là giai đoạn 2 của Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại TP HCM, kéo dài từ năm 2017 đến 2020.
Đã có tiêu chuẩn cho chợ kinh doanh thực phẩm
Trước đó, sau 5 năm xây dựng kế hoạch và triển khai thử nghiệm, đầu năm 2018, UBND TP HCM chính thức phê duyệt dự án Mô hình thí điểm chợ ATTP. Hai chợ đầu tiên triển khai là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành.
Theo Ban Quản lý ATTP TP HCM, việc triển khai lần này có sự thay đổi so với dự án đã được phê duyệt là nhân rộng ra 12 chợ truyền thống trên địa bàn để phù hợp hơn với thực tế. Hiện nay, chợ kinh doanh thực phẩm đã có TCVN 11856:2017. Đây là cơ sở để các quận, huyện đánh giá chợ truyền thống hiện hữu so với TCVN về khả năng đạt các tiêu chí (hoặc nâng cấp, cải tạo cho đạt yêu cầu) để đăng ký thí điểm.
Nhờ thí điểm chợ an toàn thực phẩm, khu vực kinh doanh thịt heo ở chợ Bến Thành đã sạch sẽ, tươm tất hơn Ảnh: TẤN THẠNH
Riêng chợ đầu mối Hóc Môn và chợ Bến Thành, Ban Quản lý ATTP TP HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện thí điểm giai đoạn 1 dự án; đánh giá điều kiện cơ sở vật chất khu vực kinh doanh sản phẩm động vật. Đến nay, 2 chợ này đã thực hiện việc sửa chữa, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất khu vực kinh doanh ngành hàng thịt heo theo các tiêu chí của Sở Công Thương TP, đáp ứng các tiêu chí bảo đảm ATTP của dự án.
Đối với các chợ truyền thống khác, cuối năm 2018, Ban Quản lý ATTP TP HCM đã có văn bản đề nghị UBND 24 quận, huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn triển khai hướng dẫn các chủ đầu tư, HTX, ban quản lý chợ sắp xếp và quy hoạch chợ kinh doanh thực phẩm theo tiêu chuẩn. Trong đó, tập trung điều kiện về kinh doanh, bảo đảm 100% hàng hóa thực phẩm tại chợ phải được truy xuất nguồn gốc.
Ban Quản lý ATTP TP HCM cũng yêu cầu các quận, huyện lựa chọn, tổ chức triển khai xây dựng ít nhất 1 mô hình chợ bảo đảm ATTP trên địa bàn trong năm 2019. Việc này sẽ làm cơ sở để từng bước hoàn thiện và nhân rộng mô hình đối với các chợ truyền thống khác trên địa bàn.
Thời điểm chín muồi
Vào khu vực bán thịt heo, rau củ quả ở chợ Bến Thành, khách hàng sẽ dễ nhận ra sự khác biệt so với trước. Lối đi sạch sẽ, thông thoáng hơn; mặt sàn bằng phẳng, không đọng nước; quầy sạp thịt heo tinh tươm với nền gạch men trắng, khay đựng bằng inox chắc chắn, đèn điện sáng choang cho khách “soi” rõ từng miếng thịt. Tiểu thương trang bị đầy đủ tạp dề, găng tay đứng bán hàng.
Sự khác biệt này là nhờ trong giai đoạn thí điểm chợ ATTP, UBND quận 1 và ban quản lý chợ đã sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục; chọn thí điểm ở các ngành hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả, hàng ăn uống.
Không gian mua bán ở chợ Bến Thạnh giờ sạch đẹp hơn, tiểu thương ý thức hơn về an toàn và bảo vệ ATTP cho khách. Vì thế, dù nổi tiếng là “chợ nhà giàu”, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống luôn “nhỉnh” hơn các chợ khác, chợ Bến Thành vẫn rất nhộn nhịp trong khi nhiều chợ khác đang sụt giảm.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ, xác nhận nơi đây đã có nhiều thay đổi, như nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất, hạ tầng từ đường sá, cống rãnh, hệ thống nước sạch, nước thải, ánh sáng, quầy sạp, bàn ghế, vật dụng bảo hộ lao động… nhất là ở khu vực nhà lồng thịt heo. Bên cạnh đó, thương nhân được khám sức khỏe định kỳ, tập huấn đào tạo kiến thức về ATTP và hiểu hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện đề án.
“Muốn được công nhận chợ ATTP thì hàng hóa phải truy xuất được nguồn gốc. Nếu làm tốt chợ ATTP thì sẽ có sản phẩm hàng hóa an toàn cho người dân TP” – ông Tiển nhấn mạnh.
Quan trọng nhất, theo BQL các chợ, nếu được TP HCM công nhận chợ ATTP thì uy tín thương hiệu chợ sẽ gia tăng, hiệu quả kinh doanh sẽ được cải thiện. Từ một số ngành hàng ban đầu, nếu triển khai hiệu quả thì sẽ lan tỏa sang những ngành hàng khác và nhiều chợ khác.
Việc triển khai giai đoạn 2 của đề án rất phù hợp, đúng thời điểm bởi các nhóm mặt hàng thịt heo, thịt và trứng gia cầm, một số loại rau củ đã thực hiện truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, một trong những tiêu chí quan trọng của chợ ATTP là phải sửa chữa nâng cấp chợ thì TP cũng đã có chủ trương đầu tư nâng cấp mạng lưới chợ truyền thống. Các chợ được chọn thí điểm sẽ có phương án kinh phí để sửa chữa, chỉnh trang.
“Các đề án nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo và truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm, rau củ là một phần của dự án chợ thí điểm ATTP giai đoạn 2016-2020, nhằm thực hiện phương án quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn. Đến nay, 100% thịt heo vào chợ đầu mối Hóc Môn đều đã được truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn” – ông Tiển dẫn chứng.
Trước đó, khi triển khai thực hiện giai đoạn 1 của dự án chợ ATTP, Sở Công Thương TP HCM đánh giá việc xây dựng mô hình này trước hết là nhằm bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người tiêu dùng, nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương, từng bước thực hiện văn minh thương mại, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển của TP. Dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý của ban quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng trong lĩnh vực ATTP.
Nhiều quy định về truy xuất nguồn gốc
TCVN 11856:2017 yêu cầu sản phẩm kinh doanh tại chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc. Phải có sổ sách ghi chép, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán sản phẩm; bảo đảm truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm để sản xuất và thực phẩm kinh doanh tại cơ sở.
Các thông tin cần thiết bao gồm: tên, địa chỉ của người cung cấp; tên loại hàng hóa cung cấp; ngày giao hàng; số lượng, khối lượng hàng hóa được cung cấp.
Theo NLĐ