Lượng vốn trên toàn cầu lớn gấp 3 lần so với cuộc khủng hoảng trước đây, nhưng danh sách những điều nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) muốn ở Việt Nam cũng dài thêm. Các quỹ cổ phiếu ghi nhận dòng tiền vào trong nửa đầu tháng 4, nhưng rút mạnh trong tháng 5 và quay lại từ đầu tháng 6 đến nay.
Tích cực gom hàng
Gần đây, Arisaig Asia Consumer Fund Limited trở thành cái tên đáng chú ý trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi từ cuối năm 2019 đến nay, đã nhiều lần mua lại cổ phiếu MWG của Thế giới Di động từ các cổ đông ngoại khác thông qua giao dịch ngoài sàn. Ước tính, nhà đầu tư này đang nắm giữ khoảng 16 triệu cổ phiếu MWG, trị giá gần 1.400 tỷ đồng theo thị giá.
Cuối năm 2019, Arisaig Asia Consumer Fund cũng nắm giữ 28,8 triệu cổ phiếu VNM của Vinamilk, tương ứng giá trị hơn 3.300 tỷ đồng. Trong tháng 5/2020, nhà đầu tư này đã đầu tư vào 3 doanh nghiệp mới, gồm Sabeco, Alibaba và Yihai.
Arisaig Asia Consumer Fund được quản lý bởi công ty quản lý quỹ Arisaig Partners có trụ sở tại Singapore. Quỹ này chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng với quy mô hiện lên tới 4 tỷ USD. Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tỷ trọng lớn, Quỹ còn tiếp cận các thị trường Việt Nam, Pakistan, Bangladesh.
Tuần qua, Viking Asia Holdings II Pte.Ltd, quỹ có liên quan đến Kohlberg Kravis Roberts (KKR) mua vào 185,84 triệu cổ phiếu Vinhomes (mã VHM) và trở thành cổ đông sở hữu 5,65% cổ phần.
Trước đó, phiên giao dịch 15/6 chứng kiến giao dịch thỏa thuận 201 triệu cổ phiếu VHM với giá 75.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị khoảng 15.100 tỷ đồng. Khối ngoại là bên mua vào, trong khi người bán là nhóm nhà đầu tư trong nước. Theo thông cáo từ Vinhomes, nhóm nhà đầu tư do Quỹ KKR đứng đầu, trong đó có Temasek, đã chi 650 triệu USD để mua khoảng 6% cổ phần Vinhomes.
Hay Quỹ ngoại PYN Elite Fund mua vào 547.410 cổ phiếu Đầu tư Nam Long (mã NLG) để nâng sở hữu lên 7,2% vốn, tương đương gần 18 triệu cổ phiếu NLG.
Dòng vốn hồi phục trong thận trọng
Diễn biến dòng vốn trên thị trường toàn cầu có tâm lý hồi phục nhưng vẫn thận trọng. Theo Báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 6/2020 của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, dòng tiền đầu tư vào cổ phiếu dao động khá mạnh. Cùng với các gói kích thích, dịch bệnh được kiểm soát giúp các nước châu Âu, châu Á nới lỏng phong tỏa.
Số liệu thị trường việc làm Mỹ tích cực và kỳ vọng về vắc-xin là những yếu tố khiến các nhà đầu tư lạc quan. Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng leo thang, diễn biến giá dầu và nỗi lo làn sóng dịch bệnh thứ 2 trên toàn cầu vẫn đè nặng lên tâm lý giới đầu tư.
Các quỹ cổ phiếu ghi nhận dòng tiền vào trong nửa đầu tháng 4, nhưng rút mạnh trong tháng 5 và quay lại từ đầu tháng 6 đến nay. Tính chung, từ tháng 4 đến nay, các quỹ cổ phiếu có dòng tiền vào là 8,8 tỷ USD, nhưng phân hóa mạnh. Trong đó, các thị trường phát triển có 44,5 tỷ USD đổ vào, các thị trường mới nổi bị rút ròng khoảng 35,8 tỷ USD.
Ngoài ra, các nước lớn đi đầu trong làn sóng nới lỏng tiền tệ và tài khóa mạnh mẽ: FED (Mỹ) tuyên bố nới lỏng định lượng không giới hạn, tổng tài sản hiện đã ở mức cao lịch sử là hơn 7.100 USD và cam kết duy trì lãi suất gần 0 ít nhất tới năm 2022; những nước không thể giảm thêm lãi suất như Nhật, EU lại công bố các gói kích thích kinh tế cao kỷ lục (989 tỷ USD, 825 tỷ USD); Trung Quốc hạ lãi suất 2 lần và công bố gói kích thích trị giá 559 tỷ USD. Hầu như tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều cắt giảm lãi suất nhiều hơn một lần kể từ đầu năm 2020 đến nay, củng cố xu hướng giảm của lãi suất.
Động thái tích cực trên khiến các nước phát triển đang bơm vào khoảng 6.000 tỷ USD qua các ngân hàng trung ương.
Điều nhà đầu tư muốn ở Việt Nam
Theo ông Andy Ho, Trưởng bộ phận Đầu tư của VinaCapital, Việt Nam mang lại cho nhà đầu tư nước ngoài lợi nhuận lớn hơn so với các lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ, nơi mà trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cũng ở mức dưới 0. Tại Việt Nam, họ có thể hưởng mức lãi từ chia cổ tức 3-4%, lãi suất trái phiếu 3-4% và tiền gửi có kỳ hạn 6-7%.
Tuy nhiên, những điều mà các nhà đầu tư FII muốn ở Việt Nam cũng nối dài thêm. Ông Andy Ho cho rằng, Việt Nam cần thay đổi để trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Hiện có nhiều điều mà nhà đầu tư FII muốn. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn. Xuất hiện nhiều doanh nghiệp tăng trưởng hơn và doanh nghiệp đó lớn hơn khi niêm yết trên sàn. Họ muốn thấy việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa, IPO đúng lộ trình.
Nhà đầu tư muốn có cơ hội đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp; có nhiều lựa chọn hơn từ thị trường, như cổ phiếu viễn thông, điện, phân bón…, thậm chí là y tế, thay vì chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu của ngân hàng và bất động sản.
Họ cũng muốn giao dịch cổ phiếu của những doanh nghiệp không còn room cho khối ngoại. Hiện có 30 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường đang được giao dịch ở mức hạn định cổ phần dành cho khối ngoại (FOL). Các nhà đầu tư ngoại mới sẽ phải mua lại cổ phiếu từ những nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu ở mức giá cao hơn giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường. Nhà đầu tư cũng phải hạ giá 10-15% so với giá mua khi cần giao dịch khớp lệnh. Sau năm 2015, trên thị trường đã có 82 doanh nghiệp được nới lỏng mức FOL, nhưng hiện nay, khoảng 30 doanh nghiệp đã hết room cho khối ngoại.
Việc Việt Nam sớm gia nhập nhóm thị trường mới nổi đang được các nhà đầu tư FII kỳ vọng. Bởi Việt Nam cần một cơ chế thông tin minh bạch, rõ ràng và quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, khi quỹ hưu trí được xem là xương sống cho nhiều thị trường vốn toàn cầu, thì Việt Nam cũng phải có cơ chế hoạt động tốt hơn cho loại hình quỹ hưu trí.
Dòng tiền bị rút mạnh khỏi Trung Quốc và Hàn Quốc
Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường mới nổi bị rút ròng nhiều nhất tại khu vực châu Á. Dòng tiền rút khỏi 2 thị trường này trong 10 tuần gần đây lần lượt là 13 tỷ USD và 7,8 tỷ USD. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và dịch bệnh quay lại có thể là đòn giáng mạnh vào kỳ vọng hồi phục trong nửa cuối năm 2020 của 2 quốc gia này. Dòng tiền cũng bị rút mạnh khỏi các quỹ đầu tư vốn cổ phần thị trường mới nổi (EM) toàn cầu và nơi có các ổ dịch hiện nay (Brazil, Mexico, Ấn Độ).
Theo ĐT