Lần đầu tiên, một quả thận lợn được cấy ghép vào cơ thể người mà không kích hoạt phản ứng đào thải tức thời ở hệ miễn dịch của người nhận, đánh dấu bước tiến đầy hứa hẹn cho tình trạng thiếu nội tạng ghép.
Bác sĩ Robert Montgomery thực hiện cuộc phẫu thuật. REUTERS
Quy trình trên được thực hiện tại Trung tâm Y khoa Langone thuộc Đại học New York (Mỹ), theo đó các bác sĩ sử dụng thận lợn đã được can thiệp gien, khiến mô của nội tạng không còn chứa phân tử kích hoạt phản ứng đào thải tức thời ở người nhận.
Người nhận là bệnh nhân chết não, xuất hiện các dấu hiệu rối loạn chức năng thận. Gia đình đồng ý cho thực hiện thí nghiệm trên cơ thể người này, trước khi bà bị rút ống hỗ trợ sự sống, theo Reuters hôm 20.10.
Trong vòng 3 ngày, quả thận mới được nối kết vào hệ thống mạch máu người nhận, và duy trì tình trạng ở bên ngoài cơ thể nạn nhân, cho phép các nhà nghiên cứu quan sát quả thận.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Robert Montgomery cho hay các kết quả cho thấy chức năng của thận ghép “gần như hoàn toàn bình thường”. Quả thận tạo nên lượng urine như mong đợi ở người nhận.
Bên cạnh đó, họ chưa phát hiện dấu hiệu có sự đào thải thận giống như ở những trường hợp ghép thận không được can thiệp gien.
Bác sĩ Montgomery cũng cho biết nồng độ creatinin trong máu, chỉ số phản ánh chức năng thận, quay lại bình thường sau khi ghép.
Chỉ tính riêng tại Mỹ, gần 107.000 người đang chờ ghép nội tạng, bao gồm hơn 90.000 bệnh nhân muốn ghép thận, theo Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng Mỹ. Trung bình người bệnh thận cần chờ từ 3 đến 5 năm để được hiến tạng.
Con lợn được can thiệp gien, gọi là GalSafe, là sản phẩm của Hãng công nghệ sinh học United Therapeutics. Tháng 12.2020, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) đã thông qua giống lợn mới để làm thực phẩm cho những người bị chứng dị ứng thịt.
Những sản phẩm y khoa từ lợn GalSafe vẫn phải chờ FDA phê chuẩn trước khi có thể sử dụng cho người.
Theo Thụy Miên/TNO