Lần đầu tổ chức thông qua các trường Đại học có chuyên ngành Thiết kế thời trang, cuộc thi National Costume 2022 nhận được rất nhiều sự quan tâm của sinh viên Thiết kế thời trang trên địa bàn TPHCM.
Ngày 14-06-22 vừa qua, 41 trang phục của các trường Đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tham dự Đêm trình diễn trang phục dân tộc diễn ra tại White Palace Hoàng Văn Thụ với chủ đề “Bản lĩnh Việt Nam”. Người thưởng lãm được có cơ hội chiêm ngưỡng một bữa tiệc văn hoá nhiều màu sắc và không khỏi bất ngờ từ sự sáng tạo của sinh viên thời trang.
Những chiến thắng “Ngoài sự mong đợi”
Trang phục Chiếu Cà Mau của Nguyễn Quốc Việt đã giành được giải nhất tại cuộc thi. Tác phẩm được miêu tả thể hiện được câu chuyện của làng chiếu Cà Mau, từ làng chiếu trở thành làng chiến trong thời kỳ chiến tranh, và sau khi bom đạn qua đi thì người dân tìm thấy lại được niềm vui sản xuất.
Tuy nhiên, sau khi trình diễn thì tác phẩm nhận được dư luận trái chiều vì vấp phải quan niệm văn hoá của ông bà Việt Nam xưa “Người sống không ai đắp chiếu, người chết không ai đắp chăn”. Quan niệm dân gian của người Việt xưa nay vẫn luôn là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Liệu rằng Hoa Hậu Hoàn Vũ đại diện của Việt Nam có cảm thấy tự hào, thể hiện được “Bản lĩnh Việt Nam” khi khoác lên mình trang phục vướng nhiều kiêng kỵ của dân gian Việt Nam. Nhìn lại vấn đề, nhà thiết kế cần có sự nghiên cứu toàn diện hơn khi ứng dụng văn hoá dân tộc vào sáng tạo. Đó không thể là những cảm hứng sáng tạo hời hợt, những câu chuyện văn hoá “bề nổi” mà cần có cái nhìn sâu sắc hơn về những tập tục dân gian truyền thống của Việt Nam.
Nguyễn Quốc Việt xúc động khi được nhận giải nhất cuộc thi với “Chiếu Cà Mau” (Ảnh: MU)
Sự đổ bộ của các món ăn đường phố lên sân khấu Hoa hậu Hoàn Vũ
Giải nhì thuộc về “Bánh tráng” của của Phan Xuân Giàu cùng với “Bánh tráng trộn” của Lê Quang Thắng đạt giải Top 10 cho thấy sự ưu ái của Ban giám khảo cuộc thi dành cho chủ đề ẩm thực. Luận về sáng tạo, “Bánh tráng trộn” của Phan Xuân Giàu sáng tạo ở mặt hiệu ứng vật liệu thể hiện được chất liệu bề mặt của một chiếc bánh tráng gạo, tuy nhiên thiết kế trang phục khá đơn điệu bình thường. Bên cạnh đó, khán giả sẽ ngày càng “ngạc nhiên” về sự đổ bộ của các món ăn đường phố lên sàn diễn của Hoa hậu hoàn vũ như bánh tráng trộn, gỏi cuốn…
Bánh tráng trộn và Gỏi cuốn “đổ bộ” sân khấu National costume 2022 (Ảnh: MU)
Nhìn ra thế giới
Năm 2020, Hoa hậu Singapore Bernadette Belle Ong đem đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ trang phục in đậm khẩu hiệu “Stop Asian Hate” để nói với thế giới rằng: “Hãy chấm dứt lòng thù ghét châu Á”. Khi quay lưng lại, người ta nhận thấy rằng bộ trang phục của cô rực màu đỏ tượng trưng cho sự bình đẳng của mọi người, còn màu trắng tượng trưng cho đức hạnh vĩnh cửu.
Trang phục dân tộc dự thi Hoa hậu Hoàn Vũ của Singapore năm 2020
Cùng năm hoa hậu Canada dự thi với trang phục siêu anh hùng để có thể gửi đến thế giới thông điệp về bình đẳng chủng tộc.
Trang phục dân tộc của Canada lấy cảm hứng từ siêu anh hùng tại Miss Universe 2020, thể hiện tinh thần nữ quyền
Trang phục của El Salvador tại Miss Universe 2021
Năm 2021, người đẹp El Salvador đem đến trang phục như một tượng đài tưởng niệm hiến pháp El Salvador, phản ảnh nỗi đau của những phụ nữ nước này đang gánh chịu
Maristella Okpala trình diễn trang phục dân tộc ở Miss Universe 2021
Nhìn lại cuộc thi National Costume 2022, nhà thiết kế phụ kiện Đỗ Vân Trí, người được mệnh danh là “Chàng trai Việt thiết kế giày cho Lady Gaga”, người đồng hành với các sinh viên dự thi năm nay nhận định:”Tinh thần bản lĩnh Việt Nam-Vinawomen năm nay hướng đến một tiêu chí mới lạ là Bản lĩnh Việt Nam, hướng đến một người phụ nữ mạnh mẽ, hiện đại, đặt ra kỳ vọng về một tinh thần đề cao nữ quyền. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, điều này không có sự nhất quán giữa tiêu chí ban đầu của Ban tổ chức và kết quả đêm chung kết từ Ban giám khảo. Vì những trang phục mang mạnh yếu tố Vinawomen hay những trang phục hướng đến một tinh thần hiện đại, phá cách, bám sát chủ đề đều bị loại ở cuối cuộc thi. Kết quả đang thiên về hướng làng nghề truyền thống, đặc trưng vùng miền hơn là tiêu chí một người phụ nữ thể hiện Bản lĩnh Việt Nam-Vinawomen. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam còn mờ nhạt”.
Sự chuyển mình của các nhà thiết kế trẻ
Nhìn lại thời gian gần đây, ta thấy được mạch chảy văn hoá đã được “cách tân” một cách sáng tạo trong góc nhìn của giới trẻ. Sinh ra và lớn lên trong thời hoà bình, những ký ức chiến tranh, hay những con người sinh ra ở thời đất nước khó khăn với đức tính cần cù chăm chỉ hay chịu thương chịu khó đã không còn là chủ đề mà các bạn quan tâm nữa.
Thiên thần áo xanh của NTK Tín Thái có mặt tại Miss Grand 2021
Bộ trang phục Thiên thần áo xanh của NTK Tín Thái nhằm tri ân sâu sắc đến các bác sĩ tuyến đầu chống dịch cũng như ngành Y đã chung tay đẩy lùi đại dịch Covid 19. Trang phục áo dài với màu xanh đặc trưng lấy cảm hứng từ màu áo bảo hộ của lực lượng, với hình ảnh con rắn mạ vàng quấn quanh ống thuốc nằm phía sau đôi cánh. (Nguồn: Internet)
Vàng Son của Nguyễn Ngọc Như Thảo- gợi nhớ giới trẻ về nghệ thuật cải lương
“Vàng Son” của Nguyễn Ngọc Như Thảo là trang phục hiếm hoi lấy cảm hứng từ văn hoá phi vật thể Cải lương- thể hiện tinh thần nữ quyền của phụ nữ Việt Nam khi người đào hát lần đầu rời khỏi gia đình để mưu sinh, tìm quyền bình đẳng, khẳng định thân phận với xã hội.
Linh Sơn của Nguyễn Dương Hồng Ngọc và Tô Phương Thuỷ
Linh Sơn của Nguyễn Dương Hồng Ngọc và Tô Phương Thuỷ ác phẩm Linh Sơn là sự đánh dấu cho một Việt Nam hiện đại, độc lập, hoà bình, luôn đổi mới và phát triển. Được lấy cảm hứng từ núi Bà Đen, nơi có tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á và đặc biệt là công trình GA CÁP TREO LỚN NHẤT THẾ GIỚI kết hợp cùng văn hoá tâm linh nơi đây. Thiết kế mang màu sắc thuần khiết, thể hiện ý chí MẠNH MẼ, HIỆN ĐẠI với tông màu trắng bạc hòa cùng nét truyền thống từ chiếc áo dài và họa tiết tượng cổ thời Lê. Tác phẩm là sự hòa quyện giữa những giá trị xưa và hơi thở của thời đại mới từ đó thể hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam không những kế thừa nét đẹp tinh hoa của truyền thống mà còn mang trên mình giấc mơ của thời đại.
Bên cạnh những bản sắc văn hoá độc đáo, các người đẹp cần mang ra thế giới những câu chuyện mang tính toàn cầu hơn như tính nhân văn, tinh thần đấu tranh cho bình đẳng, cho quyền lợi của phụ nữ, thể hiện mong muốn một thế giới hoà bình, nơi mọi người có thể hòa nhập, kết nối và phát triển. Hoa hậu Hoàn Vũ cần chuẩn bị để mang cho mình một sứ mệnh to lớn hơn của thời đại hơn chỉ là những phục trang bắt sân khấu hoặc những chủ đề mộc mạc đến mức “bình dân” đến với đấu trường sắc đẹp Quốc tế.
Ngọc Hạnh