Nhấn mạnh vai trò quan trọng của bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn lời câu so sánh: “Cuộc sống mà không có bảo hiểm giống như là đi cầu thang mà không có tay vịn”.
Minh chứng là trong dịch bệnh vừa qua, trong năm 2020, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 137,6 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng (hơn 4,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng 35,7%) so với năm 2019.
Do đó, ông Huệ cho rằng sau hơn 20 năm Luật Bảo hiểm xã hội cần thiết sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các điểm nghẽn, các vướng mắc thế mà thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, việc phát triển lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp, trong bối cảnh tác động của Covid- 19 diễn biến phức tạp, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp những khó khăn nhất định, lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2021 theo Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra. Điều này cần có sự vào cuộc rất tích cực từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần tính toán để sửa đổi một số quỹ cho phù hợp hơn, đúng tính chất của quỹ ngắn hạn. Quỹ Hưu trí, tử tuất, mặc dù vẫn đang kết dư lớn, song cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn nhằm bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số, nguyên tắc đóng – hưởng và cân đối giữa mức đóng – mức hưởng.
Qua việc phân tích những tồn tại, hạn chế trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội việc sửa đổi hoặc sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và một số luật có liên quan nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng. Điều này sẽ giúp khắc phục các tồn tại hạn chế của bảo hiểm xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội bền vững và thích ứng với những tác động, biến đổi xã hội (như dịch bệnh Covid-19, già hóa dân số) và tình trạng cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp phù hợp hơn với tính chất của quỹ ngắn hạn.
Mặt khác, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang – Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đoàn Đăk Nông, ngành bảo hiểm xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ; giúp người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng thực hiện, tiếp cận, thụ hưởng chế độ.
Việc giải quyết và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cần được bảo đảm chính xác, cơ bản kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu về bảo hiểm xã hội cần liên thông, đồng bộ và thống nhất quản lý với ngành y tế trong việc triển khai ứng dụng hồ sơ, bệnh án điện tử. Trong thời gian tới, ngành bảo hiểm cần tiếp tục làm tốt hơn nữa khâu cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo sự chính xác, tiết kiệm thời gian cho người tham gia.
Khánh An