Phân tích về giá thịt lợn trên thị trường giữ ở mức cao, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá thịt lợn tăng dần tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ.
Khâu trung gian “ăn dầy” khiến giá thịt lợn tăng cao!
Thịt lợn hơi là một trong những mặt hàng thực phẩm tăng giá nhiều nhất trong những ngày vừa qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn hơi đã tăng từ 15 – 30%. Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá thịt lợn; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi. Đồng thời không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao như: Ảnh hưởng từ chi phí đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi làm việc tái đàn lợn gặp khó khăn; nguồn cung giảm; việc mua bán vận chuyển, giết mổ vật nuôi giảm mạnh…
Vài ngày gần đây, dù giá lợn hơi đã giảm về mức 65.000 – 70.000 đồng/kg nhưng để đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao trong khoảng 130.000 – 140.000 đồng/kg và không có dấu hiệu giảm. Điều này chứng tỏ thịt lợn phải qua quá nhiều khâu trung gian. Thực tế khâu trung gian chiếm 40 – 45% giá thành thịt lợn.
Theo hạch toán của các chủ trang trại chăn nuôi lợn, cứ 1 tạ lợn hơi xuất chuồng (mức giá 70.000 đồng/kg) thì người nuôi phải chi phí trung bình khoảng 5 triệu đồng, lãi khoảng 2 triệu đồng/con; khâu thu mua, vận chuyển, thương lái lãi 100.000 – 200.000 đồng/con; khâu giết mổ thu khoảng 400.000 đồng/con. Trừ người chăn nuôi, thì người bán lẻ là khâu trung gian thu lãi nhiều nhất, dao động 800.000 – 1.000.000 đồng/con.
Phân tích về giá thịt lợn trên thị trường giữ ở mức cao, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá thịt lợn tăng dần tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Như vậy, qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn thương phẩm sẽ tăng trung bình khoảng 8 – 10%.
Do đó, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm, Bộ NN&PTNT cần khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể đẩy mạnh tái đàn trong nước và sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn cả nước đáp ứng đủ yêu cầu tiêu dùng. Bởi, theo tính toán của bộ này, từ nay đến cuối năm phải duy trì mức tăng trưởng sản lượng thịt lợn khoảng 6% mới có thể đảm bảo cung cầu thị trường.
Đáng nói, không chỉ đảm bảo nguồn cung mà việc tiết giảm các khâu trung gian trong việc phân phối thịt cũng là cách bình ổn giá hiệu quả. Vì vậy, Bộ Công Thương cần siết chặt hơn nữa việc kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ với thịt lợn (tính từ cửa trại, cửa chuồng của DN, người chăn nuôi đến siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng).
Chỉ khi nào các cơ quan quản lý thực hiện kịp thời, quyết liệt những giải pháp đảm bảo giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán thì người tiêu dùng và người chăn nuôi mới cùng được hưởng lợi cũng như không ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nói chung trong rổ thực phẩm.
Nguồn: Tieudung.vn