Bến xe Miền Đông mới được trang bị hiện đại, quy mô lớn bậc nhất cả nước, chính thức đi vào hoạt động sáng 10-10. Mục tiêu là phục vụ 7 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Sáng 10-10, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) tổ chức khánh thành bến xe Miền Đông mới (quận 9).
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan và nhiều đại diện sở ngành tại TP.HCM đã cùng cắt băng khánh thành bến xe mới – được trang bị hiện đại, quy mô lớn bậc nhất cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định, TP.HCM là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, hạ tầng kết nối giao thông vẫn chưa đủ đáp ứng cho sự phát triển đó. Chính vì vậy, TP luôn chú trọng những giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, kiềm chế và giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
“Trong đó, việc sớm hoàn thành bến xe Miền Đông mới và đưa vào khai thác giai đoạn 1 là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Khi hoàn thiện tất cả các giai đoạn, nơi đây sẽ là đầu mối giao thông của TP liên kết với các tỉnh thành cả nước, đồng thời là bến xe liên vận quốc tế đi một số nước Đông Nam Á.
Để đạt được những điều này, tới đây TP tiếp tục ủng hộ, ưu tiên và khuyến khích SAMCO tiếp tục đầu tư hoàn thiện các giai đoạn tiếp theo”, ông Hoan nói.
Theo ông Trần Quốc Toản – tổng giám đốc Tổng công ty SAMCO, sau gần 4 năm thi công, bến xe Miền Đông mới đã hoàn thành giai đoạn 1, bao gồm các hạng mục công trình nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải.
Cụ thể, kể từ ngày 10-10, bến xe Miền Đông mới chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 1, trong đó trước mắt tổ chức 22 tuyến xe khách (thuộc 71 tuyến nằm trong danh mục được Bộ Giao thông vận tải công bố hoạt động tại bến xe Miền Đông mới) đi các tỉnh, TP từ Quảng Trị trở ra Bắc có cự ly tuyến 1.100km trở lên hoạt động tại bến xe.
Dự án bến xe Miền Đông mới được đầu tư xây dựng tại vị trí giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương, giữ vai trò đầu mối giao thông trọng yếu của TP đi các tỉnh thành trong cả nước.
Vị trí bến xe Miền Đông mới rất phù hợp để phát triển thành trung tâm trong mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (TOD). Tương lai gần, bến xe Miền Đông mới sẽ là đầu mối giao thông quan trọng góp phần phát triển TP thông minh ở phía Đông – thành phố Thủ Đức.
Với mục tiêu phục vụ 7 triệu lượt hành khách mỗi năm và là hạ tầng phục vụ liên vận quốc tế đi đến sân bay Long Thành, bến xe Miền Đông mới được thiết kế không gian mở, thông thoáng với khối nhà ga gồm 2 tầng hầm và 3 tầng nổi, bao gồm sảnh đón khách, bãi chờ tài, kết nối các chức năng tiện ích hiện đại nhằm tăng sự hài lòng cho hành khách qua bến.
Toàn bộ cơ sở vật chất giai đoạn 1 của bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 740 tỉ đồng đã sẵn sàng đưa vào hoạt động và khai thác trong giai đoạn đầu bao gồm các tuyến đi từ Quảng Trị trở ra phía Bắc.
Ông Toản cho biết thêm, để việc di dời mang lại hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hình thành dần thói quen đi lại, trong thời gian đầu, các đơn vị vận tải thuộc diện di dời ở giai đoạn 1 tạm thời lưu đậu xe khách để đón trả khách tại bến xe Miền Đông hiện hữu trước khi đến bến xe Miền Đông mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định (thời hạn tạm thời không quá 3 tháng kể từ ngày 10-10-2020).
Đồng thời, khuyến khích các đơn vị vận tải đang khai thác các tuyến vận tải hành khách còn lại tại bến xe Miền Đông hiện hữu, sử dụng bến xe Miền Đông mới làm điểm dừng đón trả khách.
Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ Online, rất nhiều người dân và tài xế đã có mặt ở bến xe mới từ sớm để tham quan hạ tầng, sảnh chờ hiện đại, trang bị wifi. Ai nấy bày tỏ mong muốn bến xe hoạt động sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông.
“Bến xe có quy mô lớn đủ để phục vụ dân đi lại, chúng tôi không còn cảnh chen lấn khổ sở mua vé những ngày cao điểm như trước đây nữa” – chị Phan Thị Mận, một người dân, nói.
Xe buýt nhanh chóng kết nối vào bến xe mới
Ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết hiện nay đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện kết nối xe buýt vào bến xe mới để phục vụ cho quá trình đi lại của người dân được thoải mái.
Cụ thể, có tuyến xe buýt số 55 (Công viên phần mềm Quang Trung – Khu công nghệ cao, quận 9), tuyến xe buýt số 76 (Long Phước – Suối Tiên – đền Vua Hùng), tuyến xe buýt số 93 (Bến Thành – Đại học Nông lâm kết nối vào bến xe Miền Đông mới)…
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng đã yêu cầu thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông phối hợp với địa phương xử lý tình trạng xe dừng đỗ không đúng nơi quy định gây ảnh hưởng quá trình xe xuất bến ở bến mới. Đồng thời có văn bản đề nghị các địa phương lân cận hỗ trợ, cùng chung tay vận hành bến xe mới hiệu quả nhất.
Theo TTO