Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vừa gặp nhau trong cuộc họp không chính thức tại Thủ đô Slovenia, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi quân đội phương Tây rút khỏi Afghanistan và Pháp mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Australia.
Những sự kiện này thôi thúc EU củng cố vai trò và quyền tự chủ lớn hơn trên trường quốc tế bên cạnh những vấn đề cấp thiết khác.
Cần một châu Âu mạnh mẽ hơn
Theo The Herald, các cuộc thảo luận không chính thức trên là nhằm chuẩn bị cơ sở cho Hội nghị Thượng đỉnh EU vào cuối tháng này tại Brussels (21-22.10) và cuộc họp tháng 3 năm sau tập trung vào vấn đề quốc phòng châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU đã tập trung bàn bạc về vai trò của khối trên trường quốc tế trước những diễn biến địa chính trị gần đây, bao gồm tình hình ở Afghanistan và thỏa thuận tàu ngầm AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng nhiều năm thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược lớn hơn cho khối, kêu gọi củng cố và nâng cao vai trò của EU trong khu vực tại các cuộc thảo luận về thỏa thuận quốc phòng Ấn Độ – Thái Bình Dương giữa Mỹ, Australia và Anh (AUKUS) dẫn đến việc Australia hủy hợp đồng đóng tàu ngầm của Pháp và mua tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Động thái đó khiến của Australia từng khiến Pháp rất tức giận. Paris đang muốn Washington phải làm rõ cam kết của mình với các đồng minh châu Âu và một số nước thành viên EU cũng bày tỏ tình đoàn kết với Pháp.
Thực tế, Tổng thống Macron và Tổng thống Joe Biden đã phải thảo luận về tình trạng rạn nứt qua điện thoại để xoa dịu căng thẳng, ngoài ra Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken còn gặp ông Macron tại Paris hôm thứ Ba để cố gắng khôi phục lòng tin của Chính phủ Pháp.
Người đứng đầu Điện Elyseé hiện kêu gọi các đồng minh EU của Pháp suy nghĩ về những hạn chế của khối ở Afghanistan và sự hình thành AUKUS để tìm cách phát triển các năng lực của châu Âu, đồng thời tăng cường quan hệ với Mỹ. Tổng thống Pháp phát biểu: “Không chỉ về công nghệ, công nghiệp, kinh tế, tài chính, mà cả quân sự, chúng ta phải xây dựng các điều khoản để giúp châu Âu mạnh mẽ hơn”, “một châu Âu có thể tự chia sẻ (trách nhiệm), có thể chọn đối tác và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh lịch sử của mình” trong “bối cảnh bối cảnh địa chính trị ngày càng hỗn loạn”.
Cách đây mấy hôm, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel từng tuyên bố, “quyền tự chủ lớn hơn của EU phải dựa trên hai trụ cột chiến lược – phát triển kinh tế xã hội và an ninh”.
Trong nhiều năm qua, Pháp luôn đề xướng “tự chủ quốc phòng” cho châu Âu, nhưng theo nhiều nhà phân tích quốc tế, nhiều nước Trung – Bắc Âu không mấy mặn mà vì họ vẫn muốn duy trì quan hệ đối tác quốc phòng với Washington. Thực tế, các lãnh đạo EU trong cuộc họp vừa qua không thể vượt qua được chia rẽ về việc có nên phát triển lực lượng phòng thủ độc lập không, dù vẫn phẫn nộ trước sự rút lui hỗn loạn của các lực lượng phương Tây khỏi Afghanistan và cơn giận mới nổi lên từ Pháp sau khi khối bị ra rìa khỏi hiệp ước địa chiến lược AUKUS của Mỹ với Anh và Australia. Theo Reuters, cuộc họp đã phân chia thành các nhóm gồm những quốc gia ở phía Đông vốn đang e sợ Nga và muốn củng cố châu Âu trong nội bộ NATO cùng những nước do Đức, Italy, Tây Ban Nha, Pháp dẫn đầu muốn gia tăng năng lực của EU.
Những người ủng hộ việc EU phải tự thực hiện biện pháp phòng thủ mạnh mẽ hơn cho biết đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo như: Washington “xoay trục tới châu Á”, Vương quốc Anh rời khỏi khối, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các ưu tiên của EU suy yếu, hay một nước Nga ngày càng quyết đoán…
Những nội dung đáng chú ý khác
Ngoài vấn đề phòng thủ độc lập, một số chủ đề được đưa ra tranh luận trong cuộc họp không chính thức giữa các lãnh đạo EU mới đây còn có thể kể đến là vấn đề di cư, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương một khi Thủ tướng Đức Angela Merkel, người rất có ảnh hưởng ở châu Âu, rời khỏi chính trường và nhất là “tình trạng tăng giá nhiên liệu” (điện, khí đốt) đang gây quan ngại cho nhiều nước châu Âu. Thực tế, EU vẫn đang chia rẽ về cách thức phản ứng với tình trạng giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Tây Ban Nha, Pháp và Hy Lạp muốn đề nghị EU có phản ứng chung và thời gian qua đã đưa ra nhiều đề xuất để cải tổ thị trường năng lượng này. Chẳng hạn Hy Lạp đề nghị EU thành lập quỹ chung giúp các nước thành viên ứng phó với khủng hoảng. Trong khi đó, Tây Ban Nha mong muốn EU đứng ra mua năng lượng cho các thành viên theo gói tổng thể giống như cách khối đã mua vaccine ngừa Covid-19. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng, Ủy ban châu Âu (EC) có thể đại diện các nước thành viên đứng ra mua khí đốt hoặc đại diện cho nhóm các nước nhất trí với cách làm này. Tuy nhiên, nhóm các nước do Đức và Hà Lan dẫn đầu lại kêu gọi thận trọng, cho rằng tình trạng trên chỉ xảy ra trong ngắn hạn do tác động của đại dịch Covid-19. Nhằm giải quyết giá năng lượng tăng kỷ lục, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đầu tư dài hạn vào năng lượng tái tạo để giúp ổn định giá năng lượng và giảm sự phụ thuộc của EU khi có tới 90% lượng khí đốt ở khu vực này được nhập khẩu.
Một chủ đề thảo luận quan trọng khác trong cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo khối còn là EU nhắc lại cam kết kết nạp 6 nước và vùng lãnh thổ Balkan nằm ở vị trí trung tâm của châu Âu gồm Serbia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, vùng lãnh thổ Kosovo và Albania, vốn được đưa ra từ 18 năm trước. Tuy nhiên, liên minh lá cờ xanh vẫn chưa thể nhất trí với mục tiêu hoàn tất việc kết nạp ngay vào năm 2030 do còn nhiều bất đồng giữa các nước thành viên.
Theo ĐBND