“Thành phố sáng tạo” là một khái niệm mới, đang được nhiều quốc gia quan tâm, thảo luận, thay đổi, bổ sung để hoàn thiện. Hiện nay, “Thành phố sáng tạo” được hiểu là nơi mà nguồn tài nguyên chính của nó là tính sáng tạo của người dân, đó là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho thành phố và xã hội.
Một trong những trụ cột làm nên “Thành phố sáng tạo” chính là “Văn hóa sáng tạo”. “Văn hóa sáng tạo” là cội nguồn của “sức mạnh mềm”, đem lại nguồn lực tổng hợp, không chỉ có tài lực, vật lực mà cả nhân lực đủ khả năng giải quyết các vấn đề xã hội và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Tại Việt Nam, năm 2019, UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “thiết kế” và mới đây vào tháng 10-2023, UNESCO công nhận 2 TP khác của Việt Nam là Hội An – thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” cùng Đà Lạt – thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “ Âm nhạc”.
Ngày 16-4-2021, Bộ VH-TT-DL ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống UCCN. Theo kế hoạch này, TPHCM là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với các thành phố Huế, Hải Phòng, Hạ Long, Vũng Tàu, Cần Thơ… có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào UCCN trong những năm tới.
UNESCO đã thành lập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” từ năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xem sáng tạo là động lực, là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Tính đến nay, mạng lưới “Thành phố sáng tạo” có hàng trăm thành phố thuộc các châu lục trên thế giới tham gia.
Mạng lưới “Thành phố sáng tạo” tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.
TPHCM có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của cả nước. Cùng với chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển, trong đó có nguồn lực văn hóa và định hướng đến năm 2030 trở thành trung tâm văn hóa của khu vực Đông Nam Á, năm 2045 là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, văn hóa phát triển đặc sắc.
Mỹ Thanh