Tỷ lệ rủi ro được đánh giá trong khoảng 1/30.000 tới 1/3.817 ca.
Bằng chứng về mối liên hệ đó giờ đây trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với 457 trường hợp mắc u lympho suy thoái tế bào lớn (anaplastic large cell lymphoma – ALCL) được báo cáo ở những người phụ nữ phẫu thuật nâng ngực từ năm 2010 đến năm 2018.
Dựa trên đánh giá về bản báo cáo, FDA đã ban hành một tuyên bố cập nhật, khuyên bệnh nhân và các cơ sở y tế nên nhận thức đầy đủ rủi ro tiềm ẩn, liên quan đến loại hình phẫu thuật thẩm mỹ khá phổ biến này.
Ung thư ALCL được phát hiện gần miếng silicon cấy ghép trong ngực bệnh nhân
“Sau khi phân tích dữ liệu kỹ lưỡng, chúng tôi báo cáo rằng, tính từ năm 2010 đến tháng 9 năm 2018, cơ quan đã nhận được tổng cộng 660 báo cáo về thiết bị y tế (MDR) tại Hoa Kỳ liên quan đến các trường hợp ung thư lympho suy thoái tế bào lớn liên quan đến cấy ghép ngực (BIA-ALCL)“, FDA viết.
“Trong số 660 báo cáo về thiết bị ý tế này, phân tích chuyên sâu của chúng tôi cho thấy có 457 trường hợp mắc BIA-ALCL, bao gồm 9 trường hợp bệnh nhân đã tử vong“.
Bản chất chính xác của mối liên hệ giữa phẫu thuật nâng ngực và ung thư máu dạng ALCL, hoặc đó có phải mối liên hệ nhân quả hay không, vẫn chưa được các nhà khoa học tìm ra.
Nhưng thủ thuật nâng ngực thường liên quan đến việc cấy các miếng silicon bên dưới bầu ngực hoặc tận sâu trong cơ. Nó từng được biết đến là nguyên nhân khiến cơ thể hình thành một lớp mô sẹo bao bọc lấy miếng silicon ngoại lai. Hầu hết các trường hợp ung thư được tìm thấy ở gần vị trí bọc mô sẹo này.
Lớp mô sẹo bao lấy silicon trong cấy ghép ngực được loại bỏ
Trong khi chúng ta vẫn cần nghiên cứu thêm để đào sâu hơn vào hiện tượng và tìm ra câu trả lời, các tổ chức y tế đang kêu gọi bệnh nhân và các bác sĩ thận trọng.
“Mặc dù số lượng ca bệnh BIA-ALCL được xác định là ít so với ước tính 1,5 triệu bệnh nhân được cấy ghép nâng ngực trên toàn thế giới mỗi năm, nhưng những dữ liệu được xác nhận và thông tin được công bố cũng như bình duyệt mới nhất cho thấy bệnh nhân cấy ghép nâng ngực có nguy cơ mắc BIA-ALCL cao hơn“, FDA tuyên bố.
Để đưa các số liệu vào bối cảnh cụ thể, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 400.000 thủ tục nâng ngực được thực hiện, tăng tới một phần ba so với đầu thế kỷ. Con số cho thấy tỷ lệ mắc ung thư máu liên quan đến cấy ghép nâng ngực tương đối nhỏ.
Không phải tất cả các cấy ghép đều có tỷ lệ rủi ro như nhau. Một số nghiên cứu được thực hiện 10 năm qua cho thấy một số dạng miếng cấy ghép cho tỷ lệ mắc ung thư cao hơn. Có loại miếng silicon an toàn hơn với tỷ lệ phát triển ALCL khoảng 1/30.000 ca, nhưng cũng có miếng cấy ghép nguy hiểm hơn cho tỷ lệ 1/3.817 ca.
Các quốc gia khác nhau cũng báo cáo số liệu mâu thuẫn nhau. Đại học Chẩn đoán hình ảnh Hoàng gia Úc và New Zealand cho thấy tỷ lệ mắc ung thư máu dạng ALCL sau cấy ghép nâng ngực cao hơn nhiều, trong khoảng 1/10.000 đến 1/1.000 ca.
Cấy ghép silicon nâng ngực có thể làm tăng nguy cơ mắc một loại ung thư máu hiếm gặp
Tạm bỏ những tỷ lệ này qua một bên, từ hơn 20 năm trước, các nhà khoa học đã lờ mờ đoán được mối nguy hiểm của việc đưa những miếng saline và silicone vào cơ thể.
ALCL là một bệnh ung thư của hệ thống miễn dịch. Về mặt kỹ thuật chúng được chia thành nhiều thể khác nhau – một thể tiến triển nhanh và di căn trong khi thể khác sẽ tiến triển chậm và chỉ khu trú cục bộ – nhưng tất cả đều có nguồn gốc từ các tế bào bạch cầu bất thường.
Trong số những người trưởng thành, các trường hợp mắc ALCL chỉ chiếm 3% của tất cả các dạng ung thư máu lympho không Hodgkin, khiến nó trở thành một căn bệnh tương đối hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng đến vài trăm phụ nữ mỗi năm.
Tùy thuộc vào thể ung thư, tiên lượng của những phụ nữ này có thể tốt, với tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 95%.
Chẩn đoán sớm có thể góp phần vào việc điều trị hiệu quả, vì vậy FDA đang kêu gọi những người phụ nữ từng nâng ngực cảnh giác với các dấu hiệu sưng, vón cục hoặc đau xung quanh vị trí cấy ghép.
Tham khảo Sciencealert