Sáng 8-7, tại sảnh SC04 trung tâm thương mại Aeon Tân Phú (TP HCM), rất đông khách đã ghé lại khu trưng bày nông sản, đặc sản và sản phẩm chế biến của 23 doanh nghiệp từ Đà Lạt – Lâm Đồng mang xuống.
Nhiều khách hàng sau khi nghe giới thiệu, dùng thử hạt mắc ca, trà Ô Long, atiso, củ đương quy tươi và phơi khô, trà đương quy, cà phê, nước trái cây, đông trùng hạ thảo cùng một số loại rau củ quả tươi của các doanh nghiệp trưng bày ở đây đã mua mang về dùng.
Hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán hàng này trong chương trình Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Đà Lạt – Lâm Đồng (từ ngày 8 đến 14-7) do Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng Aeon Tân Phú tổ chức.
Bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết thông qua chương trình, tỉnh muốn giới thiệu các loại hàng hoá bảo đảm chất lượng, xuất xứ đến người tiêu dùng TP HCM. Không chỉ vậy, thông qua việc kết nối đưa hàng vào Aeon, Lâm Đồng mong muốn đưa nông sản Đà Lạt – Lâm Đồng ra các thị trường tiêu thụ ngoài Việt Nam.
Các sản phẩm chế biến từ nông sản, thảo dược Đà Lạt được khách hàng quan tâm
Với sự hỗ trợ của tổ chức JICA Nhật Bản, Đà Lạt đã xây dựng thành công thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh từ đất lành” cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh như rau, hoa, cà phê arabica…nhằm giới thiệu những sản phẩm chất lượng, uy tín đến người tiêu dùng. Đã có 235 đơn vị được tôn vinh thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Riêng với rau, có 209 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 1.717 ha; diện tích sản xuất theo GlobalGAP là 21 ha, 1 công ty được chứng nhận Organic với diện tích 4 ha. Cà phê arabica Đà Lạt đã được cung cấp cho hệ thống Starbucks. Chè Olong được xuất đi nhiều thị trường khó tính… “Aeon là 1 trong những nhà bán lẻ lớn với tiêu chí khắt khe nên sản phẩm vào Aeon thì có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi tiêu thụ toàn cầu” – bà Thanh tự tin.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… mong muốn nhập khẩu rau quả Lâm Đồng để cung ứng cho người tiêu dùng của họ. Mặc dù vậy, nông sản Đà Lạt nói chung và Lâm Đồng nói riêng xuất sang các thị trường này bước đầu gặp khó khăn do chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn, cả về quy cách hàng hoá, thời gian giao hàng. Bên cạnh đó, giá cả cũng là vấn đề lớn: các nhà mua hàng nước ngoài vào Việt Nam vẫn thường yêu cầu tiêu chuẩn cao nhưng giá thấp, DN sản xuất không đáp ứng được.
Trong khuôn khổ tuần lễ sản phẩm Đà Lạt – Lâm Đồng, Aeon ký kết hợp tác mua hàng với 8 doanh nghiệp Lâm Đồng. Các DN còn lại sẽ được Aeon làm việc, khảo sát để xác định có đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng cho Aeon không.
Theo NLĐ