Trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết như giá gas, giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới.
Năm 2022, nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết như giá gas, giá xăng dầu tăng mạnh
Trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, năng lượng sau Tết, Bộ Tài chính đề xuất, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm.
Doanh nghiệp đồng loạt tăng giá gas
Sau Tết, trong khi giá các mặt hàng thiết yếu khác như thức ăn, rau củ, giá vận tải… cơ bản ổn định và trong tầm kiểm soát thì từ ngày 1/2/2022, giá gas trong nước được DN điều chỉnh tăng do giá thế giới tăng. Cụ thể, mặt hàng này tăng 16.000 đồng/bình 12 kg theo niêm yết của một số DN.
Giá bán PetroVietnam Gas tăng 1.333 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 16.000 đồng/bình 12kg, 60.000 đồng/bình 45kg so với tháng 1/2022. Tương tự, Công ty cổ phần thương mại dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) cho biết các sản phẩm gas bán lẻ của DN sẽ tăng ở mức 8.000 đồng/bình 6kg, 16.000 đồng/bình 12kg, 60.000 đồng/bình 45kg và 67.000 đồng/bình 50kg. Các sản phẩm gas Pacific, Vimexco Gas và City Petro có giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 269.000 đồng/bình 6kg, 482.500 đồng/bình 12kg, 2.010.000 đồng/bình 50kg.
Chi hội Gas miền Nam cho biết, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 2/2022 tăng 50 USD/tấn, chốt hợp đồng giao hàng trong tháng 2 là 775 USD/tấn, kéo giá gas bán lẻ trong nước tăng ngay ngày đầu năm mới. Hiện, giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Ngược lại với giá gas và giá dầu, theo thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), qua nắm bắt thông tin thị trường, từ ngày 1/2/2022, giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại một số tuyến đường cao tốc giảm 2%, triển khai thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% xuống còn 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế. Giá dịch vụ giữ xe máy, ô tô về cơ bản ổn định, ở tại các siêu thị, trung tâm thương mại giá dịch vụ giữ xe thực hiện tốt theo đúng quy định, một số chợ truyền thống có biến động tăng.
7 giải pháp quản lý, bình ổn giá
Theo Cục Quản lý giá, trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết như giá gas, giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới.
Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Trong kỳ điều hành ngày 11/2/2022, giá xăng dầu dự báo sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Ngoài ra, do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt. Cùng với đó, áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả. Mặt khác, chuỗi cung ứng đứt gãy trong đại dịch cùng với lao động thiếu hụt cũng đẩy áp lực lên chi phí sản xuất.
Trước thực tế này, Cục Quản lý giá đề xuất các giải pháp bình ổn, quản lý giá cả, trong đó tập trung một số giải pháp sau nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường sau Tết.
Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý. Qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp. Trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, năng lượng sau Tết, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung kiểm soát giá cả ngay từ những tháng đầu năm. Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chủ động nắm bắt diễn biến giá xăng dầu thế giới sau Tết để có phương án điều hành phù hợp, hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước và bảo đảm dư địa kiểm soát lạm phát cả năm.
Tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá cước vận tải ở mức cao bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả. Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá tiếp tục điều hành thận trọng, nhất là trong những tháng đầu năm để đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm.
Kiểm soát chặt chẽ mức giá và các chi phí nhập, chi phí xuất cấp, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý trực tiếp; đề xuất và chỉ đạo kịp thời việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đối với các địa phương bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và trong thời gian giáp hạt… Tiếp tục chú trọng tuyên truyền, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.